Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong 15 tiếng qua, bão đã di chuyển khoảng 350 km, cường độ giảm từ cấp 15 (183 km/h) xuống cấp 13 do ma sát với đảo Luzon. Dự báo, đến 22h ngày 26/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km, sức gió duy trì cấp 13, giật tăng ba cấp.
Sang ngày 27/9, bão chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20-25 km/h và có xu hướng mạnh thêm do được tiếp năng lượng từ vùng biển ấm. Đến 22h, tâm bão trên vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng - Bình Định khoảng 250 km, sức gió tăng lên 166 km/h, cấp 14, giật cấp 17.
Những giờ tiếp theo, bão giữ nguyên tốc độ và hướng tây, đi vào đất liền Trung Trung Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 28/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở Nam Lào, sức gió mạnh nhất còn 61 km/h.
Như vậy, theo đài Việt Nam, khi đổ bộ vào Trung Trung Bộ, gió bão mạnh cấp 14, tăng một cấp so với dự báo sáng nay. Vào sâu đất liền, bão mới giảm cấp.
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định bão vào Biển Đông với sức gió 126 km/h và duy trì đến giữa Biển Đông. Tuy nhiên, khi vào gần đất liền Việt Nam, sức gió tăng lên 148 km/h.
Đài Hong Kong cho rằng bão tăng cấp ngay từ giữa Biển Đông, sức gió mạnh nhất 145 km/h, vào gần bờ tăng lên 175 km/h (cấp 15). Hai đài đều nhận định tâm bão sẽ vào khu vực giữa Quảng Nam và Đà Nẵng sáng 28/9.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,5 đến 20; phía đông kinh tuyến 112,5. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần từ cấp 8-9 đến cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao 6-8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 8-10 m, biển động dữ dội.
Sáng 25/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhận định bốn địa phương tâm bão có thể chịu rủi ro thiên tai cấp 4 (cao nhất cấp 5 - thảm họa) gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Bốn tỉnh rủi ro thiên tai cấp 3 gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Khánh Hòa.
Các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán hơn 860.000 dân. Trong đó, bốn tỉnh thành dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sơ tán 368.000 dân.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu 14 tỉnh thành ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum cùng các bộ ban ngành chủ động ứng phó với bão Noru với phương châm quyết liệt nhất. Các tỉnh hoãn các cuộc họp không cần thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão để ban hành lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học...
Noru là cơn bão thứ tư vào Biển Đông trong năm nay. Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam với sức gió cấp 13, giật cấp 14, tháng 9/2006. Bão gây mưa lớn cho khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế mưa 300-400 mm. 76 người đã chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.