Sáng 8/1, TS Nguyễn Gia Đối - Quyền viện trưởng Khảo cổ học cho biết, việc tạm lấp bãi cọc nhằm bảo quản các cọc gỗ, tránh bị hư hại bởi tác động của thời tiết, môi trường.
"Sau khi thành phố Hải Phòng và Viện Khảo cổ học xây dựng xong phương án bảo tồn tại chỗ thì các cọc gỗ sẽ được trưng bày để công chúng tham quan. Lúc đó các cọc gỗ sẽ được xử lý hoá chất trước khi trưng bày", ông Đối nói.
Các nhà nghiên cứu phối hợp với chính quyền địa phương đã cắm mốc đánh dấu vị trí cột gỗ và san lấp mặt bằng hố khai quật. Việc nghiên cứu tại khu vực này dự kiến tiếp tục sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Sau khi nhận bàn giao từ Viện Khảo cổ học, chính quyền địa phương đã xây dựng hàng rào bảo vệ các hố khai quật.
Ngày 1/10, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim, sến, táu phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính 20 đến 50 cm, chôn cách nhau 5 đến 7 m. Mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1270 đến 1430.
Các nhà nghiên cứu bước đầu nhận định bãi cọc Cao Quỳ là bãi cọc của quân và dân Nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288.