Nhận đề nghị hỗ trợ từ thuyền trưởng tàu cá Bình Định, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đã yêu cầu Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam giữ liên lạc với tàu để tiếp tục nắm thông tin, xác minh sự việc, báo cáo kịp thời.
Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển được giao triển khai biện pháp hỗ trợ tàu cá Bình Định đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng sự việc ba tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cá Bình Định là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế.
Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán.
Điều 62 của UNCLOS quy định quyền chủ quyền về kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.