Ở tình huống một, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, thành phố có dưới 100 người nhiễm nCoV. Sở Công thương dự báo, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày chuyển sang tập trung những ngày cuối tuần. Thị trường xuất hiện việc thu gom, tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch gây khan hiếm ở một số thời điểm.
Sở Công Thương bám sát diễn biến thị trường, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn, đảm bảo cung ứng hàng hoá đầy đủ. Cục Quản lý thị trường TP HCM và chính quyền các quận huyện sẽ kiểm tra để không phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường phải chuẩn bị hàng hoá vượt 30-40% so với ngày thường, cung ứng kịp đến điểm bán bình ổn. Các đơn vị này cũng được yêu cầu chuẩn bị nguyên vật liệu, có thể cung ứng nguồn hàng lên 50-100% trong trường hợp phức tạp hơn.
Ở tình huống xấu nhất - dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ngành Công Thương sẽ trình thành phố chính sách huy động và phân phối hàng theo cơ chế đặc thù. Việc xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và mặt hàng phòng dịch bị hạn chế.
So với ngày thường, trong giai đoạn ứng phó phòng chống Covid-19, lượng hàng bình ổn tại TP HCM chiếm 35-50% nhu cầu thị trường: lương thực hơn 3.800 tấn mỗi tháng; trứng gia cầm gần 72 triệu quả; đường hơn 2.000 tấn; thịt gia súc 6.200 tấn, thịt gia cầm 8.700 tấn...
Lãnh đạo TP HCM cho biết "không thiếu khẩu trang phục vụ cho dân". Hiện, có 23 doanh nghiệp sản xuất với năng suất 3 triệu cái mỗi ngày, trong đó hơn một triệu cung cấp cho bệnh viện. Sở Công Thương đang tìm kiếm các quốc gia có nguyên liệu khẩu trang y tế để nhập khẩu phục vụ sản xuất trong tháng 4.
Ngoài ra, thành phố đã kết nối với 22 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải trong tháng này với 17,8 triệu cái. Tổng lượng khẩu trang vải thành phố có trong ba tháng 3-5 là 56,5 triệu cái.
Từ 18h ngày 24/3, UBND TP HCM yêu cầu toàn bộ cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc... phải dừng hoạt động để phòng chống Covid-19. Trước đó, từ ngày 15/3, chính quyền thành phố đã yêu cầu toàn bộ 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke; massage, rạp chiếu phim, game online phải đóng cửa.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hai tuần tới là thời điểm cực kỳ quan trọng, quyết định thắng bại của cuộc chiến chống dịch. Ông đề nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không lơ là, "không những vì an toàn bản thân, gia đình mà còn vì cộng đồng".
Đến chiều nay, TP HCM ghi nhận 32 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 2 ca Bộ Y tế chưa công bố, 3 người đã bình phục. Số người đang được theo dõi tại các khu cách ly tập trung là hơn 9.000 người, 1.093 người cách ly tại nhà.
Thành phố đang có 2 trường hợp nguy hiểm gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là "bệnh nhân 91" - quốc tịch Anh, có mặt tại quán bar Buddha, quận 2, và nhiều người Hồi giáo dự lễ hội ở Malaysia về.