Áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông sau khi bão Podul đổ bộ vào Quảng Bình sớm 30/8. Hai ngày qua, áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh lên.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 19h ngày 1/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 350 km về phía đông đông bắc, sức gió mạnh nhất 60 km/h (cấp 7).
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới theo hướng tây tây nam, tốc độ mỗi giờ khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 2/9, tâm bão cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 200 km, sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8).
Đài khí tượng Nhật Bản lại dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, trung bình mỗi giờ đi được 30 km. Trong ngày 2/9, nó theo hướng tây với sức gió mạnh nhất 55 km/h. Từ 22h ngày 2/9 đến ngày 3/9, áp thấp đi chậm và hơi chếch nam, tốc độ 20 km mỗi giờ, sức gió tăng lên 65 km/h.
Trong khi đó, đài Hải quân Mỹ chỉ đưa ra cảnh báo áp thấp này có khả năng mạnh lên thành bão.
Đài Hong Kong có dự báo gần giống với đài khí tượng Nhật Bản với sức gió mạnh nhất khoảng 55 km/h. Tuy nhiên, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão và quặt lên phía đảo Hải Nam (Trung Quốc), tạo thành một vòng thắt nút. Hoàn lưu của nó gây mưa cho miền Trung Việt Nam, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.
Ngày 1/9, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Trung tâm khí tượng của Việt Nam nhận định, áp thấp nhiệt đới này rất phức tạp, có thời gian tồn tại dài trên biển Đông và chưa thể đưa ra nhận định có đi vào đất liền hay không.
Miền Trung Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Podul (cơn bão số 4) với nhiều thiệt hại về tàu thuyền trên biển.
Dự báo mùa mưa bão năm 2019 có 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Võ Hải