Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia (Trung tâm) cho biết, từ chiều 3/9 áp thấp nhiệt đới (tên quốc tế Kajiki) quay ra biển, có thể suy yếu thành một vùng áp thấp. Lúc 7 giờ ngày 4/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 200km về phía đông đông bắc.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 5-10km hướng tới khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất 50 km/giờ (cấp 6), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác hình thành trên Biển Đông ngày 2/9 đã tan. Nguy cơ hai cơn áp thấp nhập vào nhau và mạnh lên thành bão như bản tin dự báo sáng ngày 3/9 của Trung tâm đã không còn.
7h ngày 4/9, Đài Hải quân Mỹ và đài khí tượng Nhật Bản đều phát bản tin cuối cùng về áp thấp này, cho biết nó đã tan trên biển. Theo đài Hong Kong áp thấp nhiệt đới này đã suy yếu thành một vùng áp thấp với sức gió mạnh nhất khoảng 40 km/h.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc tiếp tục giữ nguyên dự báo áp thấp sẽ mạnh lên thành bão khi tiến sát tới Hong Kong.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 2, 3/9 các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to với lượng phổ biến trong 24 giờ là 250-450mm, một số trạm mưa lớn như Vinh (Nghệ An) 433 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 496 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 530 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 520 mm...
Dự báo từ nay đến ngày 5/9, một số khu vực ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam tiếp tục có mưa với tổng lượng phổ biến 70-150mm.
Sáng 4/9, đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã vào miền Trung để kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Võ Hải