Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm nay và ngày mai áp thấp nhiệt đới sẽ theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày mai 31/7, tâm áp thấp cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 100 km về phía đông, sức gió mạnh nhất tăng lên 60 km/h, cấp 7.
Tối mai, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Với tốc độ 15 km/h, theo hướng tây tây bắc, đến sáng 1/8 bão vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, gây gió mạnh cấp 8-9, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) nhận định.
Theo ông Năng, khoảng từ đêm 1 đến sáng 2/8, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8 và gây ra một đợt mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ chiều 1/8 đến ngày 4/8.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên biển Đông, có sự tương tác và chi phối của các hệ thống khí quyển lục địa cũng như hệ thống gió mùa tây nam nên sẽ diễn biến phức tạp.
Năm 2019, biển Đông được dự báo xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đến nay, hai cơn bão đã xuất hiện, cơn thứ nhất vào đầu tháng 1 là rơi rớt từ năm 2018. Bão thứ hai bổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng ngày 4/7, gây mưa cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, làm 2 người chết.
Nhiều tỉnh miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m, từ đêm 29 đến ngày 31/7, Bắc Bộ có mưa rào và giông, vùng núi có mưa to. Riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang mưa 20-50 mm/12 giờ, có nơi trên 70 mm/12 giờ. Do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra.
Trước đó ngày 28-29/7, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện mưa to, cục bộ có nơi trên 100 mm. Huyện Hoàng Su Phì xảy ra sạt lở đất, làm 2 người chết, 3 người bị thương; tuyến tỉnh lộ 177 Bắc Quang - Hoàng Su Phì và tuyến 178 đoạn từ km40 đến km55 bị sạt lở.
Xuân Hoa