Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 10/3/2020, 00:00 (GMT+7)

5 ngày của thủy thủ tàu sân bay thăm Đà Nẵng

Trong chuyến thăm Đà Nẵng, thuỷ thủ tàu USS Theodore Roosevelt tới trung tâm nạn nhân da cam, làm vườn, vẽ biểu tượng quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ...

Từ ngày 5 đến 9/3, nhóm tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã đến thăm hữu nghị Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Mỹ. Trong đó tàu sân bay neo ngoài khơi, cách đất liền khoảng 3 hải lý. Công tác an ninh tại cảng Tiên Sa được siết chặt.

USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thuộc lớp Nimitz, dài 332 m, rộng 76,8 m; độ choán nước toàn tải hơn 117.000 tấn. Tàu dùng năng lượng hạt nhân và có thể mang theo 90 máy bay.

13h ngày 5/3, lễ đón đoàn diễn ra tại cảng Tiên Sa. Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ bắt tay đại diện hải quân Việt Nam tại lễ đón. Một buổi họp báo diễn ra ngay sau đó. 

"Chúng tôi muốn tiếp tục ủng hộ, xây dựng, phát triển và tăng cường quan hệ song phương cũng như một khía cạnh quan trọng của nó là các chuyến cập cảng", ông John Aquilino nói.

Hơn 5.000 thuỷ thủ đoàn được luân phiên lên bờ tham quan, du lịch. Trong đó, khoảng 3.000 người lưu trú lại các khách sạn ở Đà Nẵng.

Trong lúc chờ hoàn tất các thủ tục tham quan du lịch, thuỷ thủ đoàn tranh thủ mua thức ăn nhanh tại cầu cảng Tiên Sa. Các món ăn được mua nhiều nhất là cà phê, bánh mì.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng đã thực hiện việc giám sát thân nhiệt toàn bộ thuỷ thủ tàu sân bay khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Do đến Việt Nam đúng thời điểm dịch bệnh, phía tàu cũng kiểm tra an ninh và sức khỏe khách tham quan, không nhận khách từng qua Trung Quốc đại lục trong 14 ngày hoặc có tiếp xúc với người nhiễm nCoV...

Từ ngày 5 đến 7/3, hơn 10 phóng viên mới được lên tham quan tàu sân bay. Trên boong tàu bay, các thuỷ thủ đoàn vẫn phân công nhiệm vụ trực, bảo vệ, bảo dưỡng máy bay. Phía tàu sân bay cũng giới hạn khu vực tác nghiệp báo chí. 

Một số nhóm thuỷ thủ tham gia các hoạt động xã hội. Trong đó, ngày 5/3 một đoàn đến thăm Trung tâm hướng nghiệp từ thiện ở quận Ngũ Hành Sơn; sáng 6/3 đến vui chơi với các em nhỏ tại Trung tâm từ thiện ở quận Thanh Khê. Ngày 6/3, một nhóm thuỷ thủ đến thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất động da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Nhiều thuỷ thủ đoàn đã dừng lại khá lâu trước bức ảnh một nạn nhân chất độc được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Do các em đang được đưa về nhà để phòng chống Covid-19, thuỷ thủ đoàn dành thời gian tham quan trung tâm, giúp dọn cỏ, trồng rau, sơn tường,...

Trên bức tường phía trước trụ sở chính của trung tâm, thuỷ thủ đoàn dành gần 2 tiếng để vẽ biểu tượng 25 năm quan hệ Việt Nam và Mỹ. 

Ông Matthew Ference, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Lãnh sự quán Mỹ giới thiệu, biểu tượng logo hình chim bồ câu, gồm cờ Việt Nam và cờ Mỹ kết lại hình cánh buồm. "Khi các em ở đây nhìn thấy logo đó là điều chúng tôi muốn truyền tải về quan hệ tốt đẹp giữa hai nước…”, ông Matthew nói.

Ban nhạc Hạm đội 7 (Mỹ) cùng dành nhiều buổi biểu diễn phục vụ các em nhỏ mồ côi, bất hạnh. Sáng 7/3, ban nhạc cùng các thuỷ thủ trên tàu sân bay đã đến hát cho các em nhỏ ở Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Hoa Mai.

Nữ ca sĩ chính Emily Kershaw lần thứ 2 đến Việt Nam, đã hát nhiều ca khúc tiếng Việt như "Nối vòng tay lớn", "Để Mị nói cho mà nghe", trong tiếng vỗ tay tán thưởng của những người xung quanh.

Nhóm thủy thủ vừa kết thúc chuyến tham quan thành phố Đà Nẵng, tập trung về cảng Tiên Sa chờ di chuyển lên tàu sân bay vào chiều 7/3. Họ cười tươi, khoe với những người bạn Việt Nam về hai chiếc mũ vừa mua về làm kỷ niệm.

Việc thuỷ thủ về lại tàu sân bay cũng được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo quân số. Chiều 9/3, tàu USS Theodore Roosevelt rời Đà Nẵng.

Đây là lần thứ 2 tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975. Tròn 2 năm trước, tàu sân bay USS Carl Vinson cũng đến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng.

Nguyễn Đông