Dự án hầm đường bộ Cù Mông dài hơn 6,6 km, trong đó phần hầm dài gần 3 km với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao).
Quá trình thực hiện dự án hầm đèo Cả, chủ đầu tư tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng và sử dụng phần vốn này để đầu tư xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Tuyến hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản và các tiêu chuẩn khác của Việt Nam.
Công trình quy mô tương tự hầm đèo Cả (hai ống hầm cách nhau 30 m, mỗi ống hầm rộng gần 10 m, bao gồm hai làn ôtô, dải an toàn, đường bảo dưỡng hầm). Giai đoạn một sẽ hoàn thiện một ống hầm để khai thác 2 chiều, ống còn lại dùng làm hầm lánh nạn và hoàn thiện giai đoạn tiếp theo.
Sau khi hoàn thành, hầm Cù Mông có vai trò kết nối, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông trên "cung đường đen" quốc lộ 1 đoạn giữa Bình Định và Phú Yên; thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực này phát triển đột phá.
Tại buổi lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua Bình Định đang tăng tốc về đích. Dự kiến đến ngày 14/10 Bộ sẽ làm lễ thông xe. Do vậy, việc động thổ xây dựng hầm Cù Mông có ý nghĩa quan trọng kết nối giao thông trên quốc lộ 1 từ Bắc đến Nam, đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia dự án thi công đảm bảo khoa học. Sau ba năm, công trình này phải hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia.
Trí Tín