Ngày 18/6, chủ tàu cá Tiền Giang cứu 22 người Philippines, ông Ngô Văn Thẻng (54 tuổi, thị xã Gò Công) đã thuật lại hành trình cứu các ngư dân nước bạn, sau khi liên lạc được với thuyền trưởng Nguyễn Thành Tâm qua hệ thống vô tuyến sóng ngắn HF.
Khoảng 1h ngày 10/6, tàu cá đang neo đậu trên vùng biển Trường Sa, anh Tâm và các thuyền viên bị đánh thức bởi tiếng của người nước ngoài. Rọi đèn pin kiểm tra, thuyền trưởng phát hiện hai chiếc xuồng nhỏ không đèn đang cập mạn tàu. Hai người đàn ông liên tục dùng tay ra dấu như đang cần sự giúp đỡ.
Ban đầu, lo sợ cướp biển, nhưng thấy cả hai ướt sũng, run cầm cập nên những người trên tàu cá Tiền Giang phỏng đoán họ bị nạn. Được kéo lên tàu, hai người nước ngoài tiếp tục ra dấu nhờ cứu người và chỉ tay hướng về bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thuyền trưởng Tâm nhanh chóng cho tàu nhổ neo, hướng về phía tàu đắm, cách đó khoảng 5 hải lý. Do trời tối rất khó quan sát, nên phải mất khoảng một giờ tàu mới đến hiện trường.
Mọi người phát hiện 20 ngư dân Philippines mặc áo phao, đang cố bám vào các thùng nhựa, mảnh gỗ vụn từ con tàu đắm. Nhóm người bị nạn đang đói và lạnh. Họ nhanh chóng được 10 ngư dân Tiền Giang vớt lên, cho ăn cơm, mỳ tôm, ủ ấm sau nhiều giờ vật lộn giữa biển khơi để giữ mạng sống.
Trao đổi với những người cứu mình, nhóm ngư dân Philippines cho hay, tàu cá của họ bị đắm sau cú va chạm với tàu khác, hai ngư dân đã dùng xuồng nhỏ chèo mất bốn giờ về phía có ánh sáng tàu cá Việt Nam để xin hỗ trợ.
Đến khoảng 5h, tàu cá Tiền Giang quay lại vị trí ban đầu để kéo lưới. Lúc này các ngư dân nước bạn mượn bộ đàm gọi cho một tàu cá Philippines khác. Đến 14h cùng ngày, một tàu cá nước bạn đến đón 22 ngư dân bị nạn.
"Làm nghề biển bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên tàu của gia đình tôi cứu hộ tàu khác, nhất là họ là tàu nước ngoài. Tôi tin rằng bất cứ ai đi biển đều sẽ có quyết định như vậy, không riêng gì tàu chúng tôi", ông Thẻng chia sẻ.
Gia đình ông Thẻng làm nghề biển đã hơn 30 năm, có 7 tàu, đây là chuyến ra khơi thứ hai trong năm. Theo lịch trình, khoảng 40 ngày nữa các tàu sẽ về đất liền. Bình thường, ông chỉ thuê người đi tàu, còn mình ở nhà.
Đợt ra khơi này, tàu có một thuyền trưởng, một máy trưởng và tám thuyền viên là người địa phương, đa số có thâm niên trong nghề.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, từ trước đến nay, có nhiều tàu cá của ngư dân trong tỉnh đã cứu người bị nạn trên biển. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên cứu được nhiều người bị nạn nhất, đặc biệt là người nước ngoài.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đã được báo cáo sự việc tàu cá ngư dân của tỉnh có hành động dũng cảm cứu thuyền viên tàu nước ngoài bị nạn. "Chúng tôi đã chỉ đạo xem xét biểu dương, khen thưởng thành viên trên tàu cá khi họ đánh bắt trở về", ông Tuấn nói.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, tối 9/6, có một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến tàu Philippines bị chìm. 22 ngư dân trên tàu Philippines sau đó được tàu cá Việt Nam cứu.
Bộ Quốc phòng Philippines lên án hành động bỏ rơi thuyền viên bị nạn của tàu cá Trung Quốc, đồng thời cảm ơn hành động dũng cảm của các thuyền viên tàu cá Việt Nam.
Hoàng Nam