El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2017 vẫn còn ảnh hưởng nên mùa đông xuân 2017 miền Bắc ấm, mùa hè nắng nóng kỷ lục. Từ giữa năm, La Nina tác động khiến mưa lũ diện rộng, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều.
Hà Nội nóng nhất trong 46 năm
Năm 2017 có 15 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó từ ngày 1 đến hết 6/6, hai phần ba đất nước từ Quảng Ninh đến Phú Yên hứng chịu đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, với mốc nhiệt vượt giá trị lịch sử. Ngày 3-4/6, hơn 30 trạm khí tượng miền Bắc đồng loạt ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C.
Hà Nội là tâm điểm nắng nóng khi các trạm quan trắc Ba Vì, Hoài Đức xấp xỉ 41; Láng, Sơn Tây trên 41; riêng Hà Đông 42 độ C. Từ khi có số liệu quan trắc, Hà Đông nóng nhất vào hè năm 2008 với 39,8 độ C. Còn trạm Láng từng ghi nhận mức nhiệt cao nhất 40,4 vào hè năm 1971.
Ngoài Hà Nội, một số trạm khác ở Đông Bắc cũng vượt qua kỷ lục xác lập trước đó, như Bắc Giang ngày 2/6 đạt 39,7 độ (năm 1994 là 38,7) và Lạng Sơn tương đương năm 2012 là 38,4 độ C.
Mưa kéo dài, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc
Do tác động của La Nina yếu, mưa ở miền Bắc nhiều hơn, làm xuất hiện nhiều đợt lũ. Từ tháng 6 đến 10, khu vực này trải qua 13 đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 2-3. Lũ quét, lũ ống và sạt lở đất xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi.
Trong đó, trận lũ quét sáng 3/8 tại suối Nậm Păm (Mường La, Sơn La) đã làm 15 người chết, dịch chuyển khoảng một triệu mét khối đất đá khỏi vị trí cũ. Ước tính để dịch chuyển khối lượng đất khổng lồ như vậy cần 5 triệu mét khối nước.
Cũng ngày 3/8, lũ quét đã san phẳng cụm dân cư đông đúc ở thị trấn Mù Căng Chải (Yên Bái) làm 8 người chết, 6 người mất tích, cuốn trôi và giật sật 40 ngôi nhà, phá tan hoang trường tiểu học và THCS Võ Thị Sáu ở trung tâm huyện.
Lũ quét ở Mù Căng Chải ngày 3/8.
Hai tháng sau, ngày 9-12/10 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cùng không khí lạnh, các tỉnh miền núi phía Bắc lại trải qua đợt mưa lũ đặc biệt lớn. Tại Yên Bái, lũ quét ở huyện Trạm Tấu làm 9 người chết và mất tích; cầu Ngòi Thia (thị xã Nghĩa Lộ) sập, cuốn trôi phóng viên Đinh Hữu Dư và 7 người khác. Tại Sơn La, lũ ống ở Phù Yên, Vân Hồ làm 6 người chết, 2 người mất tích.
Rạng sáng 12/10, nửa quả núi ở xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) sạt xuống, vùi chết 18 người đang ngủ. Chính quyền đã phải huy động tới 300 người tìm kiếm và 6 ngày sau mới tìm thấy hết thi thể nạn nhân.
"Lịch sử chưa có vụ lở đất nào làm hàng chục nghìn mét khối đất đá ụp xuống rồi lại đưa đi xa, vùi lấp nhiều ngôi nhà", thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nói về vụ lở đất ở xóm Khanh.
Mưa lớn khiến nước về hồ thủy điện Hòa Bình trưa 11/10 tới gần 16.000 m3/s, nhà máy phải mở 8 cửa xả đáy để đảm bảo an toàn cho hồ và vùng hạ du rộng lớn gồm thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hồ Hòa Bình mở 8 trên 12 cửa xả đáy.
Thác Khanh trước và sau vụ sạt lở đất. Video: Bá Đô.
Lũ miền Trung chạm và vượt giá trị lịch sử
Từ tháng 6 đến nay, các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện 8 đợt lũ. Trong đó có 2 đợt lũ trên diện rộng vào đầu tháng 10 và tháng 11, đỉnh lũ trên phần lớn sông ở mức báo động 2-3. Riêng các sông ở Thanh Hóa và từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi xuất hiện lũ đặc biệt lớn.
Đỉnh lũ trên sông Bưởi tại Kim Tân (Thanh Hóa) xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2007; hạ lưu sông Mã tại Giàng (Thanh Hóa) gần mức lũ năm 1980; sông Bồ tại Phú Ốc tương đương mức lũ năm 1999; sông Thu Bồn tại Câu Lâu gần mức lũ năm 2007, tại Hội An xấp xỉ mực nước năm 2007.
Lũ dâng cao khiến hàng triệu dân sống trong ngập lụt, nhiều khu dân cư ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị chia cắt do ngập sâu 2-4 m. Nhiều tuyến đê, đập ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh gặp sự cố.
TP Hội An (Quảng Nam), nơi diễn ra nhiều hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC (6-11/11) bị ngập sâu tới hơn 3 m. Rất may trước ngày diễn ra sự kiện, lũ đã rút.
Người dân Hội An (Quảng Nam) chạy lũ. Video: Đức Đồng - Như Quỳnh
Bão mạnh nhất 30 năm đổ bộ Nam Trung Bộ, thiệt hại 1 tỷ USD
Ngày 4/11, bão số 12 Damrey đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa với sức gió 133 km/h (cấp 12). Đây là cơn bão mạnh nhất từ năm 1988 đến nay vào vào Nam Trung Bộ nên rất nhiều người dân đã quên mất kỹ năng phòng tránh.
9 tiếng hoành hành, bão làm 44 người chết, 114.000 ngôi nhà ở Khánh Hòa hư hỏng. Đường bộ, đường sắt tê liệt do sạt lở đất. Tại cảng Quy Nhơn (Bình Định), 10 tàu hàng bị chìm và mắc cạn, nhiều thuyền viên bị chết, mất tích.
Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và Tây Nguyên. Hơn 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, 107 người chết và 16 người mất tích, 342 người bị thương, 3.500 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 300.000 ngôi nhà bị hư hại.
Tổng thiệt hại do bão Damrey trên 22.680 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Số lượng bão nhiều nhất từ trước đến nay
Năm 2017 có 16 cơn bão và 4 áp thấp hoạt động trên biển Đông, nhiều nhất từ trước đến nay xét về số cơn bão. Trước đó năm 2013, do tác động của La Nina, biển Đông có 19 cơn bão, áp thấp và được coi là kỷ lục.
7 cơn bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trong đó bão số 10 Doksuri đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sau 6 tiếng hoành hành, bão làm 8 người chết, gần 200.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, đổ sập; 1,3 triệu hộ dân bị mất điện. Thiệt hại vật chất hơn 11.000 tỷ đồng.
Những ngày cuối năm, người dân Nam Bộ căng mình đối phó với bão Tembin - cơn bão có đường đi gần giống và cường độ khi ở quần đảo Trường Sa còn mạnh hơn cả Linda - thảm họa làm gần 3.000 người Nam Bộ chết và mất tích 20 năm trước. Rất may sáng 26/12, khi áp sát mũi Cà Mau, bão đã suy yếu.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, bão lũ năm 2017 đã làm 325 người chết, 61 người mất tích, hơn 600 người bị thương. Trên 8.000 ngôi nhà bị đổ sập, hơn 350.000 nhà khác hư hỏng. Hệ thống giao thông, thủy lợi, viễn thông, điện lực... hư hại nặng.
Tổng thiệt hại vật chất xấp xỉ 60.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), nhiều nhất trong 5 năm qua.