Chiều 26/4, Hội đồng bầu cử quốc gia họp báo quốc tế công bố danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14. Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Ủy ban bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, 870 ứng viên được lập danh sách tại 184 đơn vị bầu cử trên cả nước để bầu 500 đại biểu quốc hội khóa 14.
“Trong đó số ứng viên do trung ương giới thiệu là 197 người, địa phương giới thiệu 673 người, có 11 người tự ứng cử”, ông Phúc nói.
Trước đó, sau vòng hiệp thương thứ 2, số người được lập danh sách ở Trung ương và địa phương là 1.146 người (Trung ương 197, địa phương 949) trong đó có 154 người tự ứng cử.
Về cơ cấu kết hợp chung trên cả nước, Chánh văn phòng hội đồng bầu cử thông tin: Phụ nữ: 339, tỷ lệ gần 40%; Người dân tộc thiểu số: 204 người, tỷ lệ 23%; Người ngoài đảng: 97 người, đạt tỷ lệ 11%; Tái cử: 168 người, tỷ lệ 19%; Trẻ tuổi (dưới 40): 268 người, tỷ lệ 31%
Trả lời câu hỏi về việc có nhiều người tự ứng cử nhưng rất ít người lọt vào danh sách chính thức, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc nhiều người tự ứng cử Quốc hội cho thấy người dân quan tâm, muốn đóng góp cho đất nước, Quốc hội. Tuy nhiên bất cứ ai ứng cử đều phải đối chiếu với các tiêu chuẩn theo quy định. Phải trải qua quá trình lấy tín nhiệm tại cơ quan, nơi cư trú và các vòng hiệp thương. Ai qua vòng hiệp thương thứ 3 mới được vào danh sách chính thức.
Về trường hợp nhà báo Trần Đăng Tuấn bị loại, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng: “Việc ứng viên được tín nhiệm nơi cư trú và nơi công tác cao nhưng vòng 3 bị loại là bình thường”.
Trước câu hỏi một số người ứng cử bị loại do cơ cấu, ông Phúc cho biết, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đại diện cho nhân dân thì phải đầy đủ hết các giai tầng trong xã hội.
“Nếu không có cơ cấu cụ thể thể sẽ lệch. Chỗ nhiều quá chỗ không có. Làm sao vừa đảm bảo cơ cấu, vừa đảm bảo chất lượng mới là điều khó. Cơ cấu rất quan trọng phải đảm bảo, nhưng chất lượng phải hàng đầu”, ông Phúc nói.
Cũng theo Chánh văn phòng hội đồng bầu cử, lãnh đạo Đảng, Nhà nước được phân bổ ứng cử đều trên các vùng miền. Có nhiều lãnh đạo được 3, 4 địa phương cùng đề nghị về ứng cử tại địa phương đó. “Ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có 4, 5 địa phương mong muốn bà về ứng cử”, ông Phúc nêu.
Theo quy trình, đến trước 27/4 Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ công bố danh sách ứng cử viên và từ 2/5 đến 21/5 người ứng cử có thể vận động bầu cử tại hội nghị cử tri hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu, chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ứng viên Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị | Nơi ứng cử |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng | Hà Nội |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải | Hà Nội |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang | TP HCM |
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng | TP HCM |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân | Cần Thơ |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc | Hải Phòng |
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh | Đà Nẵng |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm | Bắc Ninh |
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng | Đồng Nai |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch | Hà Nam |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ | Hà Tĩnh |
Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai | Lâm Đồng |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình | Long An |
Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính | Quảng Ninh |
Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình | Quảng Bình |
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng | Sơn La |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh | Thái Nguyên |
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân | Trà Vinh |
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ Trần Quốc Vượng | Yên Bái |
Danh sách ứng cử viên 63 tỉnh, thành
Võ Hải