Việc tác động vật lý vào thiết bị điện tử để chúng hoạt động bình thường là hành động phổ biến của nhiều người. Phần lớn những người áp dụng thường học từ bạn bè, không hiểu rõ nguyên do.
Giải thích về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Mack Blakely thuộc Hội các nhà cung cấp dịch vụ điện tử quốc gia tại Mỹ, cho biết hàng chục năm trước khi khoa học công nghệ chưa phát triển, các linh kiện điện tử không được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ. Do vậy, việc rung lắc nhẹ có thể khiến các đầu nối lỏng lẻo gắn kết lại với nhau.
Và khi thấy hành động trên có hiệu quả, nhiều người cho rằng đó là cách sửa chữa tối ưu, không tốn tiền tìm thợ.
Ngày nay, một vài người vẫn giữ suy nghĩ này và áp dụng trên mọi thiết bị. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc vỗ, đập nhẹ chỉ có hiệu quả vào những thập niên 80, 90. Còn hiện tại, hành động trên có thể khiến sản phẩm hỏng nhanh hơn.
Nguyên nhân là bởi các thiết bị điện tử được chế tạo ngày càng tinh vi, nhiều vi mạch được thiết kế siêu nhỏ. Và chính những cú va đập mạnh có thể làm vi mạch điện tử đứt, gãy khiến thợ sửa chữa gặp khó khăn trong việc khắc phục.
"Với các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, việc gõ nhẹ là để xác định chỗ hở trong bảng mạch và tìm cách khắc phục. Nhưng tôi nhấn mạnh là gõ nhẹ thay vì tác động mạnh vào thiết bị như nhiều người vẫn làm", ông Blakely nói.
Do vậy, nếu thiết bị điện tử trong gia đình gặp sự cố, không liên quan đến nguồn điện, hệ thống phích cắm, người dùng nên tìm đến các đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
Minh Phương (Theo Popular Science)