Giữ an toàn bằng giao tiếp hạn chế tiếp xúc
Anh Phương Châu (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết: "Trước đây, sau giờ làm hoặc cuối tuần, tôi thường tụ tập bạn bè cụng vài ly bia, nhưng giờ hầu như chỉ ăn cơm nhà. Gia đình có ba mẹ già và cháu nhỏ nên tôi cẩn thận lắm. Cuối tuần, cả nhà muốn đổi vị thì lại vào ứng dụng đặt món giao tận nhà. Vừa vui, lại vừa an toàn!". Chia sẻ của anh Châu cũng là thực tế ở nhiều gia đình.
Sau khoảng thời gian dài giãn cách, người dân có xu hướng tăng cường sử dụng dịch vụ đặt món trực tuyến thay vì ra ngoài ăn như trước đây để hạn chế tiếp xúc. Không chỉ các chuỗi cửa hàng lớn, các cửa hàng nhỏ chưa từng biết đến công nghệ cũng dần dịch chuyển lên online để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Hơn nữa, vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe đang trở thành yếu tố được ưu tiên hàng đầu trước mỗi lựa chọn dịch vụ của người dùng, đặc biệt là trong ăn uống.
Trước sự chuyển dịch này, một số ứng dụng đặt món trực tuyến đã nhanh chóng triển khai nhiều tính năng giúp tăng cường an toàn sức khỏe cho khách hàng, các đối tác tài xế lẫn nhà hàng. Đơn cử, huy hiệu "Quán chuẩn khiên xanh" giúp nhận diện các cửa hàng đạt chuẩn an toàn đã xuất hiện trên nhiều cửa hàng đang hoạt động trên GoFood của Gojek. Để đạt được tick "Quán chuẩn khiên xanh", các nhà hàng cần phải đáp ứng 3 yếu tố: Nhân viên luôn đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thường xuyên rửa tay; Nhân viên tuân thủ đặt món và thanh toán không tiếp xúc; Tài xế giữ khoảng cách an toàn khi nhận món tại cửa hàng.
Đây cũng là những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa Covid-19. Theo kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Monash (Australia) và Đại học Edinburgh (Anh) vừa công bố, việc đeo khẩu trang giúp tỷ lệ mắc Covid-19 giảm tới 53%. Các biện pháp giao dịch hạn chế tiếp xúc giúp giảm 25% tỷ lệ mắc Covid-19, trong đó rửa tay giúp giảm đáng kể các ca nhiễm Covid-19.
Lựa chọn di chuyển an toàn
Không chỉ ăn uống, an toàn trong di chuyển cũng được người tiêu dùng chú trọng. Theo một khảo sát mới đây được Gojek thực hiện tại Việt Nam, 3 lý do hàng đầu khiến người dùng Việt Nam trì hoãn việc sử dụng dịch vụ gọi xe là "Không chắc tài xế đã tiêm vaccine hay chưa", "Không chắc tài xế có đảm bảo sức khoẻ không", và "Không chắc khách trước lên xe có đảm bảo sức khoẻ không".
Gojek đã áp dụng đồng bộ 3 lớp bảo vệ cho người dùng và đối tác tài xế trên tất cả các xe GoCar Protect, dòng sản phẩm vừa được hãng này triển khai rộng rãi đến người dân TP HCM vào tháng 11 vừa qua, và sắp tới là tại thị trường Hà Nội. Để "chống khuẩn X3", tất cả đối tác tài xế GoCar đều được tiêm ngừa 2 mũi vaccine, mọi xe GoCar Protect đều được trang bị màn chắn nhựa ngăn cách giữa tài xế và khách hàng và lắp máy lọc không khí Sharp, đã được chứng minh về khả năng vô hiệu hóa hiệu quả virus trong không khí.
Chị Đan Anh (quận 5. TP HCM) chia sẻ: "Di chuyển trong giai đoạn này cũng lo lắm, nhưng khi được biết tài xế GoCar đều đã tiêm 2 mũi, trên xe có màn chắn, máy lọc không khí, mình an tâm và tự tin hơn khi sử dụng dịch vụ".
Với người tiêu dùng muốn di chuyển bằng xe hai bánh, dịch vụ gọi xe mô tô chở khách GoRide được phép hoạt động trở lại tại TP HCM với các biện pháp phòng dịch tích cực cũng giúp họ yên tâm hơn. Còn các tài xế có thêm thu nhập bổ sung, bên cạnh nguồn thu từ các dịch vụ đặt món trực tuyến GoFood và giao hàng GoSend. Theo số liệu từ Gojek, sau khi được hoạt động trở lại, lượng đơn hàng GoRide hàng ngày có xu hướng tăng đều, cho thấy nhu cầu di chuyển bằng xe hai bánh của người dân đang dần hồi phục vì tính tiện dụng.
Trên ứng dụng dành riêng cho tài xế của Gojek, tính năng yêu cầu đối tác tài xế chụp ảnh xác nhận việc đeo khẩu trang trước khi đăng nhập tài khoản để bắt đầu hoạt động trong ngày cũng là điểm độc đáo mà hãng này vừa đưa vào áp dụng, vừa nhắc nhở các bác tài tuân thủ 5K, vừa mang lại sự an tâm cho người dùng.
"Gojek đã tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và mang đến sự an tâm, thoải mái cho người dùng và đối tác tài xế. Chúng tôi hy vọng việc ưu tiên các tính năng về an toàn sức khỏe sẽ trở thành một chuẩn mực mới của ngành trong bối cảnh đại dịch và cả thời gian sau này." ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ.
Tăng cường thanh toán không tiền mặt
Thanh toán không tiền mặt cũng bắt đầu trở thành lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng sau đại dịch, đem lại cảm giác thuận tiện, an toàn nhờ hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đồng thời tối ưu hóa thời gian cho các bác tài khi giao nhận hàng. Không chỉ các sàn thương mại điện tử, ứng dụng Gojek cũng bắt nhịp đẩy mạnh hình thức này.
Anh Phan Quốc (quận Bình Tân, TP HCM) khoe: "Giờ hầu như mọi hoạt động tôi đều có thể thanh toán bằng thẻ, kể cả mua đồ ăn hay di chuyển hằng ngày. Vừa tiện lợi, vừa theo dõi được mức chi tiêu hàng ngày, chưa kể còn thường xuyên được giảm giá nữa". Để đảm bảo an toàn, Gojek không lưu trữ thông tin số thẻ quốc tế của người dùng mà sử dụng một dãy ký tự đặc biệt được mã hóa từ số thẻ nhằm tăng cường tính bảo mật cho dữ liệu.
Thói quen người dùng đã có nhiều thay đổi đáng kể dưới tác động của làn sóng Covid-19. Gojek cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang nỗ lực phát triển các tính năng và sản phẩm mới dựa trên tiêu chí an toàn sức khỏe để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Diệp Chi