Tăng cường sức khỏe, cải thiện miễn dịch
77% người tiêu dùng có xu hướng quan tâm giữ gìn sức khoẻ trong tương lai, theo nghiên cứu gần đây của ADM OutsideVoice, đơn vị nghiên cứu độc lập của Tập đoàn ADM. Cũng theo đơn vị này, đại dịch khiến 57% người tiêu dùng toàn cầu muốn tăng cường sức đề kháng. Các sản phẩm có chứa thành phần lợi khuẩn bổ trợ hàng rào miễn dịch sẽ được người tiêu dùng tìm đến.
Những đơn vị sản xuất thực phẩm và đồ uống đáp ứng nhu cầu này cùng mức giá hợp lý sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn. Ông Nguyễn Lâm Viên - CEO Vinamit cho rằng nhóm hàng nông sản tốt cho sức khỏe, tăng cường miễn dịch, thuần tự nhiên đang được ưa chuộng. Thực tế tại nhiều thị trường dòng sản phẩm này đang bùng lên và không có hàng để bán.
Ưa chuộng sản phẩm nguồn gốc từ thực vật
Khi sức khoẻ trở thành tiêu chí quan trọng với người tiêu dùng, xu hướng sử dụng các sản phẩm thuần chay cũng lên ngôi. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Expert Market Research, thị trường thực phẩm thuần chay toàn cầu đạt giá trị 15,4 tỷ USD năm 2019. Với sự thúc đẩy của Covid-19, dự kiến con số này sẽ đạt 26,1 tỷ USD năm 2025.
Trước Covid-19, xu hướng này tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Theo GlobalData , số lượng người tiêu dùng Mỹ ăn chay trường tăng từ 1% lên 6% từ năm 2014 đến năm 2017, tăng 600%. Tại Trung Quốc, Chính phủ kêu gọi người dân giảm lượng thịt tiêu thụ xuống 50%. Nhiều doanh nghiệp F&B đã đẩy mạnh phục vụ các thực đơn thuần chay hoặc lành mạnh với nguồn gốc từ trang trại hữu cơ.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Covid-19 cũng làm gia tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng. 35% người tiêu dùng cho biết họ quan ngại về sức khỏe tâm thần. Mọi người tìm kiếm giải pháp cải thiện sức khoẻ tinh thần, bao gồm cho phép bản thân ăn các loại thực phẩm và đồ uống thoải mái, dễ chịu. Nhưng họ cũng phải đối mặt với yêu cầu quản lý cân nặng, tìm sự cân bằng giữa dinh dưỡng lành mạnh và hưởng thụ.
Theo các chuyên gia của ADM, sản phẩm thực phẩm và đồ uống thiết kế để cải thiện tâm trạng, duy trì năng lượng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm cho thực phẩm tiện lợi, đồ ăn nhẹ... cung cấp đủ thành phần dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Dịch vụ giao hàng tận nơi
Khảo sát của Nielsen tại 11 thị trường châu Á cho thấy, người tiêu dùng ưu tiên việc ăn tại nhà. Xu hướng này dẫn đầu bởi Trung Quốc với 86% số người tiêu dùng nói rằng họ sẽ ăn tại nhà thường xuyên hơn trước khi đại dịch bùng nổ. Việt Nam nằm trong top ba quốc gia theo xu hướng này, với tỷ lệ 62%. Kết quả báo cáo của Q&Me về hành vi khách hàng cũng cho thấy, 75% người tiêu dùng Việt đã sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trong đó 24% người dùng mới làm quen với hình thức này lần đầu tiên do Covid-19. Tính đến tháng 5, nhu cầu sử dụng loại hình giao thực phẩm tận nhà đã tăng 70%.
Trước xu hướng này, các mô hình F&B vốn tập trung vào trải nghiệm ăn uống, không gian ẩm thực và câu chuyện thương hiệu, thương hiệu F&B giờ đây phải mở rộng mảng giao thức ăn tận nhà.
Nhiều nhà hàng lớn cũng phục vụ các dịch vụ nấu ăn tại chỗ để cung cấp trải nghiệm ẩm thực cao cấp tại nhà cho khách hàng. Mô hình "bếp trên mây", nơi các đơn vị kinh doanh thực phẩm chỉ thuê bếp để chế biến món ăn và giao hàng cho khách qua ứng dụng giao hàng cũng phục vụ xu hướng này.
Cách doanh nghiệp chế biến thực phẩm ứng phó với những thay đổi của Covid-19 là một trong những nội dung sẽ được phân tích, trao đổi trong talkshow Nguy - Cơ số 7, phát sóng ngày 22/10 trên VnExpress.
Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ số một, hai, ba, bốn, năm, sáu.
Hoài Phong
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. 52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải...
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.