Theo CNBC, cứ 10 người trưởng thành thì có 9 người nói rằng không có gì khiến họ hạnh phúc hoặc tự tin hơn việc có tài chính ổn định. Tuy nhiên, hai năm gần đây, từ khi Covid-19 xuất hiện, căng thẳng tài chính đã kéo dài ở nhiều quốc gia do hệ lụy của đại dịch, ảnh hưởng đến tâm lý, thói quen của hàng triệu người.
Covid-19 khiến nhiều người lao động không chỉ đối mặt với nhiều áp lực về tiền bạc, dẫn đến việc hình thành thói quen quản lý tài chính để có thể xoay sở khi bất ngờ xảy ra rủi ro. Trải qua gần hai năm, đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, con người buộc phải sống chung với Covid-19 trong trạng thái "bình thường mới". Việc chuyển mình để thích nghi là điều cần thiết. Trong đó, sự thay đổi trong cách quản lý tài chính giúp mỗi người có được sự chuẩn bị, cũng như đối mặt tốt hơn với những diễn biến xấu trong cuộc sống.
Vậy, cách quản lý tài chính trong bối cảnh "bình thường mới" có gì khác biệt? Các chuyên gia tại tọa đàm "Quản lý tài chính cá nhân thông minh trong bối cảnh bình thường mới" sẽ mang đến những gợi ý thiết thực, giúp độc giả nắm bắt tình hình và có những điều chỉnh phù hợp trong cách quản lý tài chính cá nhân. Chương trình do VnExpress tổ chức cùng đối tác chuyên môn là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MSB, phát sóng vào lúc 14h30, ngày 24/11 trên báo điện tử VnExpress và Fanpage VnExpress.net.
Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây. |
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn tài chính Mỹ - Capital One, cho thấy, gần 60% người được khảo sát đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về tiền và thay đổi nhận thức về tài chính lành mạnh từ khi dịch bệnh bùng phát. Gần 30% người tham gia khảo sát, cho biết, luôn phải đấu tranh để thiết lập thói quen chi tiêu tốt, tức là chi tiêu cho những khoản thực sự cần thiết.
Người dân cũng ưu tiên lựa chọn những mặt hàng chất lượng có giá cả phù hợp, "săn" hàng khuyến mãi, giảm giá... để tiết kiệm. Bên cạnh đó, xu hướng thanh toán không tiền mặt cũng hình thành và ngày càng được khuyến khích sử dụng, giúp người dùng dễ dàng quản lý nguồn tiền... Dù có nhiều phương thức để quản lý tài chính cá nhân nhưng không phải ai cũng thực hiện điều này một cách dễ dàng.
Theo Tiến sĩ tâm lý tài chính Brad Klontz, mỗi người đều có thói quen tiêu tiền khác nhau nên cần xác định bản thân xếp vào loại tích cách tài chính nào, sau đó cải thiện kỹ năng bằng cách loại bỏ những thói quen tiêu cực và phát triển những điều tích cực. Brad Klontz cho rằng, dựa vào bốn thái độ phổ biến của con người đối với tiền bạc gồm tôn thờ, trốn tránh, cảnh giác và địa vị hóa đồng tiền, mỗi người sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về kỹ năng quản lý tài chính.
Kết quả khảo sát tại 10 nước châu Á - Thái Bình Dương do Backbase thực hiện hồi tháng 9, cho biết, tỷ lệ người Việt cảm thấy thoải mái hoặc kiểm soát được tình trạng tài chính thấp nhất danh sách các nước được khảo sát. Cụ thể, chỉ có 28% được hỏi cho biết đang cảm thấy thoải mái về tình trạng tài chính cá nhân và 45% cảm thấy nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản trị tiền bạc của Việt Nam cao nhất trong 10 nước được khảo sát.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định rằng, kỹ năng quản lý tài chính có thể tự học bằng cách rèn luyện và sửa đổi thói quen chi tiêu không cần thiết, vượt qua các rào cản văn hóa và trở ngại tâm lý. Kỹ năng này nên được phát triển và trau đồi suốt cuộc đời, vì tài chính cá nhân chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nền kinh tế thị trường, trào lưu, xu hướng đầu tư...
Nhìn một cách tích cực, đại dịch là cơ hội để mỗi người nhìn lại và sắp xếp cách quản lý dòng tiền hiệu quả, từ đó tạo tiền đề cho những quyết định đầu tư sinh lợi nhuận tốt hơn trong tương lai.
Huyền Anh