Nghiên cứu được công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu, ngày 29/8. Theo tiến sĩ Yanjun Song, chuyên gia tại Bệnh viện Fuwai ở Bắc Kinh, tác dụng của việc ngủ bù đối với tim mạch thậm chí rõ rệt hơn ở những người thường xuyên ngủ không đủ giấc vào các ngày trong tuần.
Tiến sĩ Song và các đồng nghiệp đã phân tích giấc ngủ của 90.900 người dân Anh. Trong đó, 19.800 người (gần 22%) được phân loại trong nhóm thiếu ngủ, tức là ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong vòng 14 năm, phân tích hồ sơ bệnh án và tỷ lệ tử vong của những người mắc bệnh tim, gồm suy tim, rung nhĩ và đột quỵ.
Kết quả cho thấy những người ngủ bù nhiều có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 19%. Trong số những người bị thiếu ngủ, người ngủ bù nhiều nhất giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tim.
Tiến sĩ Nisha Parikh , giám đốc Chương trình Tim mạch Phụ nữ tại Viện Tim mạch Northwell Health và Viện Sức khỏe Phụ nữ Katz, cho rằng nghiên cứu mới tiềm năng. Bà giải thích, rối loạn giấc ngủ và thiếu ngủ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch chuyển hóa, như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì.
Dù vậy, các chuyên gia nhấn mạnh người lớn vẫn nên ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, tránh tình trạng thiếu ngủ và phải ngủ bù. Mất ngủ là tình trạng thường gặp ở nhiều người nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, phụ nữ bị thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai. Áp lực công việc, sinh hoạt không điều độ, bệnh lý là nguyên nhân khiến nhiều người không đảm bảo thời lượng ngủ tối thiểu mỗi ngày. Mất ngủ, ngủ không ngon giấc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Trong khi ngủ, não xử lý thông tin đã thu thập được trong ngày, hình thành ký ức mới. Nếu không nghỉ ngơi hợp lý, não bị quá tải khiến khó xử lý thông tin, khả năng tập trung giảm sau một đêm mất ngủ. Thiếu ngủ còn gây mất khả năng kiểm soát cảm xúc, tăng nguy cơ căng thẳng, trầm cảm.
Thục Linh (Theo NY Post)