Hình ảnh xét nghiệm cho thấy các hạt đen kịt tích tụ trong có thể bệnh nhân. Bác sĩ đã gắp tổng cộng 28 hạt chà là, 35 hạt olive và 5 vật thể cứng như đá, kích thước bằng nắm tay từ dạ dày và ruột của bà. Những khối cứng này được tạo thành từ nhiều hạt chà là kết dính với nhau theo thời gian, đường kính từ 5,5 đến 6 cm. Bà Şerife không gặp bất cứ triệu chứng nào, đến khi có viên đá 4 cm chặn ruột non.
Viên đá này sau đó tạo ra lỗ thủng trong ruột, khiến mô bị hoại tử, có khả năng gây tử vong. Bà Ay được con cái đưa đến bệnh viện vào ngày 5/2, sau khi đau bụng và nôn mửa. Các bác sĩ đã chuyển bà đến Bệnh viện Đại học Zonguldak Bülent Ecevit. Kết quả chụp CT ở đâu cho thấy bụng bệnh nhân có hàng chục hạt trái cây nhỏ lẻ cũng như 5 khối cứng hơn, giống đá.
Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật trong hai giờ để loại bỏ các phần ruột tổn thương, nối lại các mô khỏe mạnh. Họ cũng loại bỏ tất cả các hạt, khối cứng từ các cơ quan của bà. Bà Şerife cần lưu lại phòng chăm sóc đặc biệt 5 ngày để theo dõi.

Cụ bà Şerife Ay sau ca phẫu thuật loại bỏ dị vật trong đường tiêu hóa. Ảnh: Harberler
Bà cho biết bản thân rất thích chà là, olive và luôn nuốt hạt khi ăn. Theo thời gian, các hạt này mắc ở đường tiêu hóa, bà không thể ăn uống bình thường. Sau trải nghiệm kinh hoàng này, người phụ nữ cho biết sẽ không bao giờ nuốt hạt nữa.
Tiến sĩ İlhan Taşdöven, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Zonguldak Bülent Ecevit, cho biết bà may mắn đã đến bệnh viện kịp thời. Nếu tiếp tục ở nhà với cơn đau bụng, bà có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng máu.
Tắc nghẽn trong hệ tiêu hóa do thức ăn có thể âm thầm tồn tại trong nhiều năm và không gây triệu chứng. Tuy nhiên, chúng có thể gây buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, loét, thậm chí chảy máu trong.
Cách điều trị tùy thuộc vào dị vật, phẫu thuật thường là phương pháp cuối cùng. Một số bác sĩ đề nghị bệnh nhân uống 3 lít nước ngọt có ga trong 24 giờ nếu tình trạng không quá nghiêm trọng. Theo báo cáo xuất bản trên Tạp chí Tiêu hóa Thực hành năm 2021, độ axit nhẹ từ nước ngọt có ga và hàm lượng carbon dioxide của chúng hỗ trợ phá vỡ một số loại khối tắc nghẽn. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là từ 23 đến 60,6%. Tuy nhiên, nó có chi phí thấp và ít rủi ro.
Thục Linh (Theo Daily Mail)