Lizzie Buckley, kiểm toán viên 25 tuổi sống ở Virginia (Mỹ), gửi cho mẹ 3 tin nhắn iMessage, kể về những việc cô đã làm. Bà Tess Buckley đáp lại bằng cách "thả" ba biểu tượng cảm xúc: không thích, không thích và hai dấu chấm than.
"Thật thất vọng. Tôi chờ đợi nhiều hơn những biểu tượng cảm xúc đó", Buckley nói.
Các ứng dụng như iMessage của Apple, Messenger, WhatsApp của Meta có tính năng reaction, cho phép sử dụng biểu tượng (emoji) để thể hiện cảm xúc, như trái tim, thích, không thích, cười haha, dấu chấm than. Người dùng chỉ cần nhấp đúp, hoặc nhấn và giữ tin nhắn để chọn emoji phù hợp
Bà Tess Buckley, 60 tuổi, cho biết bà dùng reaction vì thấy không cần trả lời, nhưng muốn cho con gái biết bà vẫn chú ý. "Đây là cách trả lời ngắn gọn, không phải nhập một cụm từ dài dòng hơn", bà nói.
Xu hướng giao tiếp ngắn gọn
Facebook triển khai tính năng reaction cho bài đăng từ 2015, gồm Thích, Yêu, Haha, Wow, Buồn và Tức giận, và sau đó là Thương thương. Đến 2020, mạng xã hội đưa tính năng này lên Messenger và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dùng. Trong khi đó, reaction đã có trên iMessage của Apple từ 2016 với nhiều tùy chọn hơn.
Ben Taylor, nhà thiết kế nội dung 35 tuổi ở Idaho, thích gửi những câu chuyện cười cho vợ. Vợ anh thường đáp lại bằng reaction. "Sẽ tệ hơn nhiều nếu không nhận được phản hồi, vì điều đó có nghĩa người kia không có thời gian cho việc này", anh nói.
Trong khi đó, Somaya Gupta, nhạc sĩ 24 tuổi ở Denver, coi việc ai đó "like" tin nhắn là một cách để kết thúc cuộc trò chuyện. Anh hiếm khi dùng vì thấy hành động này rất thô lỗ. "Khi muốn kết thúc cuộc trò chuyện, bạn nên nói ra", Gupta cho hay.
Amy D'Orazio, 50 tuổi ở Nam Carolina, cũng hay sử dụng dấu chấm than trên iMessage như một cách để cảm thán, nhưng chỉ dùng trong các nhóm gia đình. "Trong công việc, ý nghĩa của nó hoàn toàn có thể bị hiểu sai và khiến bạn gặp rắc rối", D'Orazio nói.
Jennifer Daniel, làm tại Unicode Consortium - tổ chức phi lợi nhuận chuyên chuẩn hóa văn bản trên thiết bị di động, cho rằng biểu tượng cảm xúc đang dễ bị lạm dụng trong bối cảnh chúng ngày càng phổ biến. "Trong một thập kỷ qua, biểu tượng cảm xúc được sử dụng mọi nơi, nhưng có vẻ đang quá đà", bà nhận xét.
Bảo Lâm (theo WSJ)