Tôi đã việt vị khi bàn đến chuyện đền bù và xin lỗi. Trong suốt hai năm qua, việc thu phí sai trái vẫn không dừng lại.
Không những thế, mới đây, ACV đã công khai đưa ra phương án thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, dự định áp dụng vào năm sau. Trong phương án này, ACV vẫn bảo vệ việc thu phí đường dẫn, cho rằng việc thu phí này phù hợp với quy định và dẫn luật như sau:
"Theo điều 11 Luật HKDD, Điều 36 Nghị định 102/2015/NĐ-CP, Thông tư 36/2015/TT-BGTVT, Quy định 4224/QĐ-BGTVT, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là dịch vụ phi hàng không do doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không quyết định, niêm yết giá."
Tôi đã tìm mỏi mắt trong bốn văn bản được ACV viện dẫn mà không thể tìm thấy bất cứ dòng nào đề cập cái gọi là "dịch vụ đường dẫn". Công ty này đã sáng tạo ra cái "dịch vụ đường dẫn" này để bảo vệ việc thu phí của mình.
Việc không có cái gọi là "dịch vụ đường dẫn" không phải do nó bị cơ quan chức năng bỏ sót, mà đây là một dịch vụ hoang đường. Đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là hạng mục không thể thiếu trong hạ tầng cảng hàng không, vì thế nó không thể tách rời khỏi các dịch vụ thiết yếu nhằm phục vụ hành khách của các hãng hàng không. Người dân sẽ không thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cảng hàng không nếu không có đường dẫn.
Nếu "đường dẫn" là một dịch vụ đứng riêng, thì nó là loại dịch vụ mà dù muốn hay không người ta cũng phải sử dụng. Vì vậy, việc bảo dưỡng, bảo trì hạ tầng đường dẫn đương nhiên đã được tính trong chi phí vận hành cảng, và được tính vào phí dịch vụ hàng không mà bất kỳ khách hàng nào mua vé máy bay cũng đã phải chi trả. Tách dịch vụ đường dẫn ra khỏi tổng thể dịch vụ hàng không để thu tiền là việc làm trái với nguyên tắc tiếp cận dịch vụ.
Việc ACV cố tình sáng tạo ra "dịch vụ đường dẫn" để duy trì việc thu phí là một hành vi cố đấm ăn xôi, tiếp tục kiếm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (theo kết luận thanh tra năm 2017 tiền thu trái phép trong 4 năm là 550 tỷ đồng). Đồng thời, khi viện dẫn nhập nhèm quy định pháp luật, ACV đã phủ nhận kết quả thanh tra 2 năm trước, khi kết luận này khẳng định ACV đã thu phí trái pháp luật.
Việc ACV tiếp tục thu phí trong 2 năm, sau khi đã có kết luận thanh tra khẳng định là trái pháp luật, là điều không chấp nhận được. Đó là chưa kể, các trạm thu phí hiện tại đều không nằm trong quy hoạch cảng hàng không, tức là đã được xây dựng trái phép. Nhưng, với phương án mới mà ACV công bố, những chiếc cổng được xây dựng trái phép ấy vẫn tồn tại, và sẽ được hiện đại hóa để không bỏ lọt tiền thu phí của người dân khi tiếp cận "dịch vụ".
ACV, bằng việc cố ý thu phí trái phép, đã phớt lờ kết luận của thanh tra Chính phủ, phớt lờ những tiếng nói của công chúng, của báo chí. Đó là một thái độ cửa quyền của một doanh nghiệp công đã tồn tại quá lâu trong trạng thái độc quyền.
Sự cửa quyền của ACV có lẽ sẽ không chỉ là những tấm vé dịch vụ đường dẫn, đó còn là cơ hội để họ có thể kinh doanh những đặc quyền cung cấp dịch vụ ăn theo hàng không khác. Đó là các bát mỳ giá cao, là những cuốc taxi mà người dùng không có khả năng để lựa chọn.
Hai năm trước, tôi đã tưởng chuyện hai năm rõ mười. Tôi đã viết về việc thu phí ra vào sảnh đón tiễn: "Đương nhiên, là công dân của một đất nước có luật pháp, họ cần được xin lỗi, và bồi hoàn về bất cứ sự oan sai nào bị gây ra bởi các cơ quan Nhà nước. Đó là công lý, pháp lý, và cả đạo lý nữa". Tôi đã nhầm khi dùng từ "đương nhiên". Trong con mắt của một công ty độc quyền, thì có một sự "đương nhiên" cao hơn. Công lý, pháp lý và đạo lý của họ cũng khác của tôi.
ACV cố gắng duy trì việc thu phí đường dẫn sai trái có lẽ không phải chỉ đơn thuần vì mấy trăm tỷ đồng, mà còn để duy trì bằng được thói quen cửa quyền của mình trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu với người dân.
Thói quen đó, có phải chỉ xuất hiện ở một tổng công ty nhà nước được kinh doanh độc quyền?
Phạm Trung Tuyến