![Quang Hải mừng bàn ấn định tỷ số 2-1 cho Hà Nội, trong trận chung kết Cup Quốc gia với Viettel. Ảnh: Giang Huy.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2020/09/22/08f6c63000c6ff98a6d7-160075056-2392-7239-1600750685.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jZkTRORX3QqPFYN3vC4Hcw)
Quang Hải mừng bàn ấn định tỷ số 2-1 cho Hà Nội, trong trận chung kết Cup Quốc gia với Viettel. Ảnh: Giang Huy.
Khi Viettel bàn mở tỷ số phút 75, trong trận chung kết Cup Quốc gia trên sân Hàng Đẫy hôm 20/9, về lý thuyết, dòng chảy trận đấu đang theo đúng ý đồ của họ. Đá phòng thủ phản công, mà ghi bàn dẫn trước vào lúc trận đấu đã đi đến giai đoạn cuối - một kịch bản gần như hoàn hảo cho Viettel, nếu đối thủ không phải là Hà Nội.
Trước trận chung kết này, đội bóng của bầu Hiển đã sở hữu năm danh hiệu V-League, một Cup Quốc gia và ba Siêu Cup trong 10 năm. Không đội bóng nào trong lịch sử Việt Nam đạt đến những thành tựu đó trong cùng thời gian. Cho rằng Hà Nội FC thừa mứa vinh quang có lẽ chẳng có gì sai. Vì vậy, nếu thất bại trước Viettel, họ cũng chẳng bị sứt mẻ mấy. Nhưng đội bóng của Chu Đình Nghiêm không cam chịu, và đã làm nên cuộc ngược dòng hào sảng với hai pha ghi bàn đẳng cấp.
Trong những danh hiệu đã qua của Hà Nội, không thiếu những dị nghị. Nhưng nếu dựa vào những con số thuần túy, việc cho rằng Hà Nội hưởng lợi từ các mối quan hệ là khiên cưỡng. Bên cạnh năm lần vô địch V-League, họ còn bốn mùa giải về nhì. Họ cũng năm lần vào đến chung kết Cup Quốc gia, và thắng hai trong số đó. Trong một thập kỷ Hà Nội thống trị bóng đá Việt Nam, trên thực tế, đội bóng sở hữu số danh hiệu V-League nhiều sau họ không phải là một "người anh em" nào đó, mà là Bình Dương. Bởi vậy, cho rằng con đường vinh quang của Hà Nội có được nhờ "giúp qua, giúp lại" là không đủ căn cứ. Càng không thể nghi ngờ sức mạnh của Hà Nội nếu xem lại các cuộc đối đầu trực tiếp với những ứng cử viên khác.
Trận thắng trước Viettel là một ví dụ như vậy. Thứ phẩm chất làm nên một Hà Nội như hiện nay, đó là khao khát chiến thắng đến tột cùng. Họ không chấp nhận bất kỳ thất bại nào, đặc biệt là trận đấu mang ý nghĩa quyết định hoặc trước các đối thủ không được phép thua. Trong 13 đội bóng V-League hiện nay, Viettel có chất lượng đội hình không kém gì Hà Nội. Thế nhưng, chỉ cần Trương Văn Thái Qúy vào sân, cục diện trận đấu đã thay đổi hoàn toàn. Cầu thủ dự bị này chính là người mở tỷ số và cũng là tác nhân đem đến bàn thứ hai của Quang Hải. Điều đó cho thấy Hà Nội đã xây dựng một đội hình mà bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể tạo ra khác biệt. Bởi thế, cho rằng Hà Nội FC có chiều sâu đội hình cũng được, nhưng nói là họ luôn vào sân với sự thèm muốn chiến thắng thì còn đúng hơn.
Ở bóng đá Việt Nam, nói câu đó thì dễ nhưng thực hiện lại không đơn giản. Do không chịu những ràng buộc về mặt tài chính, các đội bóng có thể mua sắm tùy thích những cầu thủ mà họ cho là tốt. Thời gian đầu, khi còn mang tên Hà Nội T&T, đội bóng của bầu Hiển cũng làm theo cách mà bầu Đức đã tạo ra "Dream Team" thời kỳ 2003-2005, hay Bình Dương với "Chelsea Việt Nam" giai đoạn 2006-2009. Cách làm ấy đương nhiên hiệu quả. Nhưng "cả thèm thì chóng chán". Ông chủ không còn thèm khát vô địch thì nhiệt huyết của cầu thủ cũng khó mà duy trì ở cường độ cao nhất. Có thể thấy rõ điều này ở thành tích của Hà Nội và HAGL trong 10 năm qua. Một đội luôn có mặt trong top 4, còn đội kia đá mãi vẫn chẳng thể vào. Đây là hai đội bóng hiếm hoi hiện nay mà vai trò ông bầu mang tính quyết định. Trong khi bầu Hiển đam mê vinh quang đến mức chấp nhận mang tiếng "một ông bầu, nhiều đội bóng", bầu Đức lại xác định "đá cho vui". Mỗi quan điểm đều có lượng ủng hộ riêng, nhưng rõ ràng lịch sử thông thường chỉ ghi nhận người chiến thắng sau cùng.
Sự thịnh – suy của một đội bóng luôn xảy ra, nhưng chỉ khao khát chiến thắng, thái độ "đá để thắng chứ không chấp nhận thua trận" mới là cốt lõi để giữ một đội bóng trường tồn theo thời gian. Hà Nội nhiều mùa giải khởi đầu khá tệ dù luôn sở hữu lực lượng tốt. Như năm nay, đến hết vòng 9 của V-League, khả năng họ bị rơi xuống nhóm tranh trụ hạng vẫn hiển hiện. Nhưng cũng với những con người ấy, càng đá Hà Nội lại càng chơi hay. Các quãng nghỉ vì Covid-19 càng giúp họ phục hồi trạng thái thi đấu tốt nhất. Việc bắt nhịp chậm rồi tăng tốc muộn cho thấy vấn đề lớn nhất của Hà Nội không phải là những chấn thương hay thiếu hụt nhân sự, mà chủ yếu đến từ cảm hứng thi đấu. Họ không phải là một đội bóng hoàn hảo, nhưng rõ ràng, chẳng đối thủ nào tận dụng được các điểm yếu ấy của Hà Nội. Thay vì thế, cứ sau mỗi thất bại, họ lại vội vã mua thêm lực lượng, hoặc đổ lỗi cho câu chuyện chưa được kiểm chứng "5 đánh 1"... Trong khi đó, những dòng chiến thắng như tuôn chảy bên trong Hà Nội, muốn đánh bại họ, chỉ còn một cách duy nhất: thèm khát chiến thắng nhiều hơn họ.
Nhìn cái cách mà Hà Nội ngược dòng, và sự thẫn thờ của Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng... ở trận chung kết Cup Quốc gia, thì có vẻ danh hiệu vô địch V-League thứ sáu cũng đã đến gần hơn với thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm.
Song Việt