Đọc các bài báo viết người Nhật Bản xếp hàng khi nhận cứu trợ hay bất cứ hình ảnh nào liên quan đến việc giữ gìn trật tự hàng lối của các nước trên thế giới chúng ta đều so sánh với việc chen lấn của người Việt. Vậy tại sao người Việt không có thói quen này?
Qua quan sát nhiều trong cuộc sống, tôi kết luận chính môi trường giáo dục đã tạo ra con người như vậy. Đọc đến đây có thể mọi người bảo tôi sai, ai cũng nghĩ ngay từ bé trẻ em đã được dạy cách xếp hàng ngay ngắn khi lên lớp. Đúng, đó chỉ là một phần nhỏ.
Ai đó hãy thử một lần quan sát học sinh khi ra chơi sẽ thấy, các em ùa vào căng tin trường chen lấn xô đẩy nhau để mua được bánh kẹo, đồ ăn. Mọi việc vẫn diễn ra một cách tự nhiên và không bị bất cứ một hành động nhắc nhở nào hay một hướng dẫn nào.
Ngay từ lớp 1 các em đã hiểu được rằng không chen lấn, không giành giật mà chờ đến lượt thì đến khi hết giờ ra chơi may ra mới đến được lượt mình. Một phương pháp nhỏ là hãy kẻ ô và hàng, người bán căng tin chỉ cần nhắc nhở học sinh hãy xếp hàng trật tự thì xem như các em đã nhận được một bài học vô cùng to lớn cho xã hội.
Tôi từng trình bày việc này với cô hiệu trưởng nơi con tôi học. Cô công nhận đúng, nhưng đã hết nhiệm kỳ và cô về hưu. Mọi việc lại tiếp diễn theo những gì nó đã và đang xảy ra.
Đinh Minh Tuấn
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây