Nền văn hóa đại chúng Anh ghi nhận ngài Athur Conan Doyle như một trong số biểu tượng văn học lớn... Nhân vật chàng thám tử tài danh Sherlock Holmes của ngài Doyle cũng trở thành nhân vật tiêu biểu được cả thế giới biết đến và say mê.
Độc giả lâu nay vẫn nhớ tới thám tử Sherlock Holmes với hình ảnh miệng ngậm tẩu, sát cánh bên người bạn đồng hành trung thành Watson (hoặc gần đây, trong một số phiên bản truyền hình với nỗ lực làm mới biểu tượng này, là một "thám tử cố vấn" Sherlock với miếng dán nicotine trong phim truyền hình Anh, hay một Holmes phiên bản Mỹ với cô bạn đồng hành Joan Watson xinh đẹp) chiến đấu vì công lý. Câu chuyện bắt đầu từ khi vị thám tử đã trưởng thành khiến độc giả đôi khi đặt câu hỏi: "Quá khứ nào đã tôi rèn nên Sherlock Holmes?"
Quãng đời niên thiếu giống những mảnh ghép bị Holmes gỡ bỏ một cách cố tình khỏi bức tranh cuộc đời. Anh làm chúng biến mất, nhưng không có nghĩa chúng chưa từng tồn tại. Nhà văn người Canada Shane Peacock bằng nỗ lực tuyệt diệu và phi thường, đã tìm một phương pháp để phục dựng những mảnh ghép ấy trong series truyện trinh thám Thời niên thiếu của Sherlock Holmes.
Bên cạnh việc kể câu chuyện về thời thơ ấu của Holmes, trong bộ sách, Shane Peacock đồng thời phục dựng lại cả London thế kỷ 19, với những gì chân thực nhất của một đô thành mang hơi thở thời đại Victoria. Thành phố chằng chịt những con đường và hẻm ngách, đầy rẫy những kẻ bất lương, những khu ổ chuột điêu tàn tồn tại hiên ngang bên cạnh cơ ngơi của giới quý tộc xa hoa. Sông Thames với dòng chảy uốn lượn cuốn theo số phận của bao con người...
Rải rác trong cuốn sách là những con phố mang tên những con người đã thân quen, được in tạc vào lịch sử sâu đậm tới nỗi nếu họ chưa hề tồn tại, thì nhân loại sẽ chẳng thể nào đi đến được ngày hôm nay: Karl Marx và Engels, phó thủ tướng Benjamin Disraeli, "linh hồn của Anh quốc" - ngài Charles Dickens... Cậu bé Holmes lướt ngang qua Marx và Engels trong một cuộc bạo động của dân nghèo, diện kiến Disraeli trên cây cầu bắc ngang sông Thames một đêm nồng nực, và cùng ông dược sĩ già chia sẻ những chương truyện Dickens viết... Giữa đô thị cổ kính ấy, giữa đường phố và con người, cậu bé Sherlock dường như không còn sống trong thế giới hư cấu thuần văn học, mà đã đặt được đôi chân vào lịch sử nhân loại. Cậu khiến người ta tin cậu tồn tại và người ta sẽ tìm thấy cậu, đâu đó, trong những bức ảnh hay tranh vẽ quang cảnh London thời bấy giờ.
Sherlock không phải là nhân vật duy nhất trong câu chuyện của ngài Doyle có một quá khứ được kể lại. Câu chuyện ấy bao hàm cả Giáo Chủ, tên cầm đầu băng tội phạm nhí với tham vọng làm lũng đoạn London, cô tiểu thư Irene Doyle phá cách, chàng thanh tra Lestrade mẫn cán... Và cả cái lướt qua tình cờ, với người mà ta hy vọng sau này chính là bác sĩ Watson. Peacock có câu trả lời hợp lý cho tất cả. Từng bước một, họ biến đổi và trở thành những nhân vật mà ta đều đã biết mặt quen tên.
Hệ thống nhân vật trong sách đa phần là ẩn số được tung ra theo kiểu "Ai sẽ là ai?". Tuy nhiên, nhân vật Sigerson Trismegistus Bell (hay còn được biết đến như một ông dược sĩ già điên khùng với cái lưng hình dấu hỏi, một nhà giả kim, một nhà hóa học, tổ sư của môn võ Bellitsu, ông già đội mũ fez...) là một biến số ngẫu nhiên đầy lý thú. Ông Bell với cửa hàng thuốc trên phố Đan Mạch dường như là một thứ "phiên bản giới hạn" dành riêng cho series thời thơ ấu này, giúp bộ sách tự phân biệt nó với công trình của ngài Doyle, cho dù Shane Peacock đã bắt nhịp được với nguyên tác một cách hoàn hảo.
Ông dược sĩ Bell quan trọng với Sherlock của Peacock như thể bác sĩ Watson quan trọng với Holmes của ngài Doyle. Họ đều là những người làm nhiệm vụ chữa lành các vết thương - không chỉ là thể xác, mà còn là tâm hồn đầy giông bão của Holmes. Watson là bằng hữu, là tri kỷ, một người thư ký để ghi chép, một người xuất hiện để kể lại những chiến công lẫy lừng của Holmes khi anh trưởng thành. Còn ông già Bell là mái nhà, là người cha, người thầy, một "sư phụ" thay bậc thân mẫu của Sherlock, yêu thương cậu (tất nhiên theo cái cách lạ lùng của riêng ông), dạy dỗ, trang bị cho cậu tất cả những gì cậu cần để trở thành "chàng trai vàng", một báu vật của công lý. Những tháng ngày họ đã chia sẻ với nhau dưới mái nhà trên phố Đan Mạch, mối quan hệ kỳ lạ ở ngã ba giữa tình cha con, tình thầy trò và cả bằng hữu, niềm vui và hạnh phúc mà cậu bé Sherlock đã tìm được khi ở bên ông... người ta sẽ nhớ về nó, như nhớ về tình huynh đệ giữa bác sĩ Watson và Sherlock Holmes.
Con người ta ai cũng phải lớn lên. Và cậu bé Sherlock mười ba tuổi cũng đến ngày phải trưởng thành. Có khác chăng bởi con đường Sherlock lựa chọn là độc đạo, nên quá trình trưởng thành ấy thật nhiều đớn đau và mất mát. Vụ án đầu tiên cậu điều tra đã đẩy mẹ cậu vào chỗ chết. Sherlock hiểu trên ngả đường công lý, những người thương yêu cậu đều gặp nguy hiểm - điều này trở thành nỗi ám ảnh, ép buộc cậu triệt tiêu cảm xúc, sống bằng những suy luận khoa học chính xác. Sherlock nhận ra công lý cậu kiếm tìm không phải sự trả thù cho người mẹ quá cố hay tiếng tăm lẫy lừng. Nếu hành động vì những mục đích ấy, cậu mãi mãi sẽ không thể thành con người mà cậu khao khát.
Bước chuyển mình cuối cùng của cậu bé Sherlock để trở thành thám tử Sherlock Holmes là gì? Là mùa xuân u ám khi những người yêu thương nối tiếp nhau ra đi? Là khi cậu quyết định cắt đứt mọi liên hệ với những người yêu quý? Khi chiếc đồng hồ sự sống đang đếm ngược về 0 của ông Bell? Hay cuộc đối đầu sinh tử với đối thủ số một? Mỗi người, thậm chí chính Holmes cũng có những lựa chọn cho riêng mình. Nhưng có lẽ đó là khoảnh khắc trên cầu tàu, khi ông Bell vạch mặt hung thủ thực sự đã giết Grimsby - một trong hai tên phó tướng trung thành của Giáo Chủ, và dạy cho Sherlock bài học sau cùng.
"Hãy tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng những người khác. Hãy luôn làm việc đúng đắn, bất chấp tất cả, dù đối thủ của con là ai, dù hắn tàn ác tới đâu. Và hãy mưu mẹo, chàng hiệp sĩ trẻ của ta, hãy dùng những cách thức không chính quy, thậm chí, nói thế nào nhỉ, những chiêu thức hơi hiểm một chút, và hãy luôn chiến thắng! Con hãy tỏa sáng. Con phải chiến thắng! Nhưng đừng bao giờ làm những trò ma mãnh mà chúng làm" - Sigerson Bell (Trưởng thành - Thời niên thiếu của Sherlock Holmes)
Chàng trai trẻ đã hứa. Anh bắt đầu một cuộc hành trình mới, với những di sản mà ông Bell để lại, quyết tâm xóa đi quá khứ của mình, như loại bỏ điểm yếu cuối cùng mà bọn tội phạm có thể sử dụng để chống lại anh. Anh đã sẵn sàng. Anh đã trưởng thành.
Trong suốt sáu tập sách, Shane Peacock duy trì lối hành văn đầy tinh tế pha chút hài hước "kiểu Anh". Cốt truyện với những tình tiết thông minh, ly kỳ và gay cấn, những cú ngoặt bất ngờ đánh lạc hướng bạn đọc khiến Thời niên thiếu của Sherlock Holmes trở thành một phần mở đầu tuy muộn màng nhưng bắt nhịp mượt mà với phần truyện tưởng diễn ra sau nhưng đã xuất hiện trước nó vài thế kỷ. Bộ sách xuất hiện như một mảnh ghép còn thiếu của lịch sử, một phần tưởng chừng như đã vĩnh viễn biến mất, nay bất ngờ được tìm lại vẹn nguyên.
Phan Hải Anh