- Khi rời cương vị Thủ tướng năm 1997, ông có nói: "Nhiệm kỳ chính phủ của chúng tôi đã làm một công việc rất quan trọng là “mở cửa”, còn nhiệm vụ của các nhiệm kỳ sau là “bước ra, hội nhập”". Vậy theo ông, Chính phủ sắp tới mà Quốc hội sẽ bầu phải gánh vác nhiệm vụ gì?
- Có thể nói đất nước chúng ta đang đứng trước một lợi thế to lớn chưa từng có trong lịch sử, kể cả thời kỳ bắt đầu đổi mới. Đó là sự thống nhất chủ trương đổi mới từ bên trong Đảng đến các tầng lớp rộng rãi trong xã hội.
Nói như thế để thấy rằng trước đây trong quá trình tìm tòi, cũng còn có những quan điểm e dè, chừng mực trong đổi mới, lo ngại đổi mới có đổi màu, hòa nhập có hòa tan làm chậm ít nhiều quá trình thay đổi diện mạo đất nước.
Nay không những bên trong có sự đồng thuận nhất trí cao mà bên ngoài cũng được thế giới ủng hộ, đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập vào tổ chức WTO và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC. Đây là một thắng lợi rất lớn bên cạnh sự nỗ lực của toàn dân tộc
Triển vọng mới mở ra cho chúng ta một cơ hội lớn để có những bước đi mạnh mẽ hơn. Người dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước, trong đó chính phủ là người điều hành cần có một cuộc bứt phá, không phải ở mức như những năm trước đây. Đó là một tình thế không còn có sự đảo ngược và không thể chấp nhận sự chậm chân trong lúc này.
Song phải thấy rằng nên tăng tốc trong một nhịp độ đủ chắc, không duy ý chí nhưng phải có những quyết định táo bạo. Phải xem quá trình hội nhập thế giới là một cuộc đua, không thể cứ chạy “đều đều”.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TTO
- Cuộc đua này đòi hỏi những người tham gia phải có những tố chất gì, thưa ông?
- Vai trò có tính quyết định là sự lãnh đạo của Đảng. Chính Đảng là người thiết kế đường lối đổi mới và chính phủ là người tổ chức thi công. Cơ nghiệp này còn huy động được cả dân tộc, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài: Kiều bào, người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, người nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam hưởng ứng và tham gia.
Muốn vậy, bằng mọi cách Chính phủ phải vận dụng đường lối chủ trương của Đảng, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Bác Hồ đã nói: "Chủ trương một, biện pháp mười”, vì thế Chính phủ phải có một đội ngũ cán bộ thừa hành dám làm dám chịu trách nhiệm, biết đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, toàn xã hội lên trên hết.
- Thưa ông, Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng lần thứ 5 có xem xét đề án sát nhập bộ máy Chính phủ từ 26 bộ xuống còn 22 bộ. Với kinh nghiệm của mình, theo ông, việc làm này sẽ có ý nghĩa thế nào trong việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước?
- Việc sắp xếp, sửa đổi tổ chức bộ máy từ bất hợp lý sang hợp lý là cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc biệt là phù hợp với năng lực quản lý điều hành. Có những bộ hợp nhất do thực tiễn yêu cầu, như Bộ công nghiệp và thương mại, bởi vì bây giờ một doanh nghiệp không chỉ biết sản xuất mà còn phải biết bán mặt hàng của mình ở đâu…
Thế nhưng việc hình thành những bộ đa ngành có phát huy tác dụng của mình hay không lại phụ thuộc vào con người, mà cụ thể bộ trưởng bộ đó có đảm đương được hay không. Từ đó mới tính toán việc hợp nhất các bộ. Vấn đề còn lại là con người, bộ nào nên ghép trước, bộ nào nên để lại 2 hay 3 năm nữa sẽ tốt hơn, đó là sự lựa chọn đúng.
- Thưa ông, nên làm thế nào để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức, đề bạt cán bộ, vừa trao quyền cho Thủ tướng trong việc lập ra một nội các mới, lại đồng thời thuyết phục được Quốc Hội - nơi thể hiện ý chí của toàn dân - thông qua?
- Một Đảng cầm quyền phải quản lý, nắm chắc cán bộ, đề bạt cán bộ là một việc bình thường không có gì trở ngại cả. Đó là công việc của tập thể Đảng, ở đó quy định cấp nào thì quản lý trình độ cán bộ cỡ nào. Vấn đề là thực hiện một cơ chế đề bạt cán bộ đúng với thẩm quyền và đúng quy trình.
Ví dụ Bộ Chính trị có quyền đề cử một Ủy viên Bộ chính trị ra làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch Quốc hội chẳng hạn. Và không ai hạn chế quyền của Thủ tướng trong công tác nhân sự. Chính Thủ tướng phải là người nắm chắc cán bộ, tìm kiếm cán bộ và đề xuất những người có thể ngồi vào bộ máy của mình để tập thể Đảng bàn bạc, có ý kiến.
Nếu như Thủ tướng đưa cán bộ ra không đủ sức thuyết phục thì người khác có quyền đề cử người thay. Nếu người đề cử sau có cơ sở, có căn cứ, có sức thuyết phục tập thể thì đương nhiên được tán thành trên ý kiến đa số. Sau đó Bộ chính trị mới trình nhân sự và xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng
"Tôi cho rằng, một Chính phủ mạnh trước hết phải có những Bộ trưởng mạnh. Đó là những “tư lệnh của những binh chủng”. Không chỉ Phó Thủ tướng mà ngay cả Thủ tướng cũng không thể làm thay Bộ trưởng. Chính phủ rất cần những Bộ trưởng mạnh, năng động, đủ tầm và dám chịu trách nhiệm." Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Tất nhiên Quốc hội là cơ quan quyết định cuối cùng về nhân sự do Đảng giới thiệu. Cũng đã có người không nhận được sự nhất trí cao của Quốc Hội và chuyện này cũng đã có xảy ra. Lúc đó, Đảng cũng phải chấp nhận tính đa số và buộc phải giới thiệu người khác cho Quốc hội xem xét và bầu lại.
- Ông nghĩ thế nào về việc mở rộng công tác nhân sự cho cả người ngoài Đảng. Chẳng hạn như vẫn có người ngoài Đảng được giới thiệu vào ghế bộ trưởng?
- Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10 có ghi một khoản mà tôi cho là mới: Có thể người giữ chức Bộ trưởng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Vì nếu làm theo cách cũ sẽ dễ dẫn đến việc chọn lựa nhân sự theo một phạm vi hẹp và theo một quan niệm cũ: Hễ là Ủy viên Trung Ương thì…đa năng, có thể bố trí vào bất kỳ vị trí nào
Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 làm giảm bớt các gò bó lựa chọn cán bộ theo cơ cấu. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Nên mở rộng hơn cho cả những nhân tài ngoài Đảng. Chỉ giữ nguyên một số ngành, lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, công an… cấp lãnh đạo của Đảng phải đảm trách. Việc lựa chọn những người ngoài Đảng có năng lực vào bộ máy quản lý Nhà nước thì chỉ làm cho Chính phủ mạnh lên.
- Thưa ông, Thủ tướng là người được giao một trọng trách rất lớn nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn có ý kiến cho rằng Thủ tướng gần như không được quyền kỷ luật những cán bộ do mình quản lý, cụ thể là các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thủ tướng là người được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có trách nhiệm quản lý một bộ máy từ Trung Ương đến địa phương. Tôi nghĩ nên giao đủ quyền cho Thủ tướng để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đảng nên có một cơ chế phân công trách nhiệm rõ ràng để trong quá trình thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, người đứng đầu có thể sử dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ, cách chức đối với những cán bộ dưới quyền. Còn bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Có như vậy, hiệu lực lãnh đạo mới được nâng cao; kỷ cương, phép nước mới được duy trì; bộ máy quản lý mới được thông suốt.
Tôi cho rằng, việc theo dõi hoạt động của cán bộ không có cơ quan chức năng nào có thể thay thế cho người đứng đầu của ngành đó (trong phạm vi xử lý hành chính đối với công việc và chịu trách nhiệm trước cấp trên). Cơ quan chức năng của Đảng cần làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát. Nếu được như vậy, hiệu lực quản lý và trách nhiệm cá nhân sẽ được nâng cao.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)