Triển lãm đồng hồ đeo tay lớn nhất thế giới - BaselWorld là dịp các nhà sản xuất giới thiệu các mẫu sản phẩm mới, giúp tăng doanh số bán hàng. Sự kiện năm nay vừa kết thúc tuần trước đã chứng kiến nhiều khó khăn của các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ.
Năm ngoái, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ giảm 10% - lớn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính. Xuất khẩu tháng 2/2017 cũng giảm với tốc độ tương tự so với cùng kỳ 2016. Còn Swatch - hãng sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới mất tới 47% lợi nhuận năm ngoái.
Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã tồn tại đủ lâu để học cách sống sót qua khủng hoảng. Blancpain thành lập từ năm 1735, hiện thuộc sở hữu của Swatch. Sau đó 20 năm, Vacheron Constantin cũng ra đời. Thương hiệu này hiện thuộc Richemont - một hãng sản xuất hàng xa xỉ tại Thụy Sĩ và cũng là đối thủ lớn nhất của Swatch.
Tại thị trấn La Chaux-de-Fonds - trung tâm sản xuất đồng hồ lớn ở Thụy Sĩ, các nhóm công nhân vẫn miệt mài lắp ráp các bộ phận lò xo, bánh răng, đá quý và nhiều chi tiết cực nhỏ khác. Tuy nhiên, nhu cầu gần đây đã biến động rất lớn.
Theo Thomas Chauvet của Citibank, trong giai đoạn 2004-2012, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ tăng trưởng nhanh. Khách hàng Trung Quốc đóng góp tới một nửa doanh thu các hãng này.
Các nhà sản xuất đua nhau giới thiệu những mẫu đắt tiền hơn. Đồng thời, họ cũng tăng giá cho những sản phẩm đã có trên thị trường.
Sau đó, khủng hoảng tài chính nổ ra. Nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang cao cấp như đồng hồ, túi xách... của người Trung Quốc giảm mạnh.
Động thái này cũng không khiến cho các hãng đồng hồ cắt giảm nguồn cung ra thị trường đang thay đổi. Họ vẫn tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm tới các nhà phân phối trên khắp thế giới. Những nhà phân phối này không đủ mạnh để tác động đến những thương hiệu đồng hồ lớn.
Gần đây, đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng nhẹ. Vì ngày càng ít người Trung Quốc tới châu Âu mua đồng hồ vì thuế cao hơn và mối lo ngại khủng bố. Tại thị trường quan trọng nhất của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ - Hong Kong (Trung Quốc), doanh số vẫn rất ảm đạm.
Về lâu dài, mối lo ngại của những nhà sản xuất đồng hồ đeo tay truyền thống chính là giới trẻ. Tháng 9 năm ngoái, Apple từng tuyên bố sẽ trở thành nhà sản xuất đồng hồ lớn thứ hai thế giới, xét về doanh thu.
Jean-Claude Biver - người đứng đầu mảng đồng hồ tại hãng thời trang xa xỉ LVMH tỏ ra lo ngại: "Liệu giới trẻ sẽ coi đồng hồ là một sản phẩm thể hiện đẳng cấp cá nhân, một thiết bị cung cấp thông tin hay là đồ trang sức? Ai mà biết được chứ?".
Các hãng đồng hồ đang thích nghi kém với một thế hệ có thị hiếu thay đổi liên tục. Họ thường chậm chạp nhận ra sự thay đổi nhu cầu. Nhiều thương hiệu mới chỉ bắt đầu nghiên cứu các mẫu sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng, từng thị trường.
Năm ngoái, hãng Richemont đã mua lại những mẫu tồn kho tại các cửa hàng mà họ đã phân phối để chuẩn bị không gian cho chiếc đồng hồ mới. Từ ngày 31/3, chủ các thương hiệu nhỏ trực thuộc Richemont sẽ phải báo cáo trực tiếp với chủ tịch Johann Rupert. Hãng này tin rằng những động thái này sẽ có tác động tích cực.
TAG Heuer đã phát triển mẫu đồng hồ mới cùng Google và Intel. Sản phẩm này đã bán rất chạy trong năm ngoái. Montblanc sẽ sản xuất đồng hồ thông minh tích hợp cảm biến nhịp tim, micro và nhiều tính năng hiện đại khác. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ này phải rất lâu nữa mới trở nên phổ biến.
Tại Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác, điện thoại thông minh vẫn được xem như một chiếc đồng hồ.
Anh Tú (theo TheEconomist)