Trao đổi với VnExpress chiều 4/2, bác sĩ Hoàng Thị Thúy, 43 tuổi, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, nói "khó quên được cảm xúc ở khoảnh khắc phát hiện số mẫu dương quá nhiều như thế này, chưa bao giờ gặp".
17h ngày 27/1, vừa xong công việc, chị chuẩn bị lấy xe về nhà thì điện thoại của đồng nghiệp gọi, thông báo phía Nhật Bản vừa ghi nhận một người Hải Dương mắc Covid-19.
CDC Hải Dương truy vết ngay. Chị Thúy nhanh chóng có trong tay danh sách 14 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân này, đều ở thành phố Chí Linh. Anh Nguyễn Đoàn Tuân, Khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh, cùng nhân viên đến từng nhà của 14 người, lấy mẫu bệnh phẩm. Cùng lúc, nhân viên tổ kỹ thuật chuẩn bị bắt tay vào xét nghiệm. Đây là những người F1 đầu tiên tại Hải Dương, trong đợt dịch này.
Bác sĩ Thúy lúc ấy nghĩ: "Chỉ cần một trong 14 người nhiễm thì nguy cơ dịch lây lan, rất nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan".
Vài giờ sau, mẫu bệnh phẩm của 14 người F1 được chuyển về CDC Hải Dương làm xét nghiệm. Tối đó, chị và đồng nghiệp không chợp mắt, chờ kết quả. 5 giờ sáng, một trường hợp ghi nhận dương tính nCoV, 34 tuổi, là nữ công nhân Công ty TNHH PoYun, địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế sáng 28/1 ghi nhận người này là "bệnh nhân 1552".
Chưa kịp trấn tĩnh với kết quả xét nghiệm này, chị Thúy nhận được lệnh lên đường đến Công ty Poyun lúc 6h sáng, lấy mẫu xét nghiệm. Trong 2 tiếng, chị cùng ba nhân viên kỹ thuật lấy xong 190 mẫu bệnh phẩm từ công nhân Poyun, chuyển về CDC Hải Dương. Kết quả xét nghiệm hơn 70 mẫu dương tính nCoV.
"Tôi và tất cả mọi người lúc đó thật sự sửng sốt, hoảng sợ", bác sĩ Thúy nói. Trải qua nhiều đợt dịch trước, song chưa có lần nào số lượng người dương tính lại nhiều và dày đặc như vậy.
Công ty Poyun trở thành ổ dịch. Trong vài ngày tiếp theo, tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm nhiều ổ dịch khác. "Lượng mẫu lấy về rất khủng khiếp, lên tới 5.000-7.000 mẫu một ngày", chị Thúy kể. Ngày đầu ra quân lấy mẫu bệnh phẩm trong cộng đồng, có ba đội xét nghiệm từ trung ương về Hải Dương hỗ trợ là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Y tế Công cộng và Bệnh viện Bạch Mai.
CDC Hải Dương huy động thêm nhân lực từ trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Các sinh viên và đội ngũ bác sĩ đa khoa chia làm 2 đoàn, hỗ trợ CDC Hải Dương lấy mẫu cho huyện Kinh Môn và TP Chí Linh. Mẫu bệnh phẩm ùn ứ. Mỗi ngày, mỗi đoàn mang về thấp nhất 3.000 mẫu, nhiều nhất 5.000 mẫu. Nhiệm vụ của trưởng khoa Xét nghiệm, là điều phối công việc, tổ chức lấy mẫu, tính toán số lượng, năng lực xét nghiệm của đơn vị...
Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng có 15 nhân viên, chia làm hai phòng, phòng Lab có 8 nhân viên kỹ thuật, phòng mã mẫu có 7 người. Bác sĩ Thúy cho biết, ban đầu khi lượng mẫu ít, khoa chỉ thực hiện xét nghiệm khoảng 500 mẫu một ngày. Các nhân viên một ngày chia hai ca làm việc, song 8 người phòng kỹ thuật thì không thể đủ. Lượng mẫu lớn, áp lực, Khoa phải nhờ đến các chuyên gia huy động thêm, tổng cộng lên 30 người.
Xe chở mẫu xét nghiệm đến sân, ê kíp nhanh chóng bê các thùng đựng mẫu vào phòng mã hóa mẫu. Tại đây, nhân viên y tế có nhiệm vụ phân loại các mẫu xét nghiệm và đánh mã mẫu từ F1 đến F4. Chị Thúy cho biết, mệt nhất là khoảng 20h đến 22h, mẫu xét nghiệm từ các nơi đổ về, "chúng tôi phải vào làm việc guồng quay đến khi trời sáng. Một ngày các nhân viên chỉ ngủ tổng cộng 3-4 tiếng. Mắt ai cũng thâm quầng".
Sau khi phân loại, các mẫu xét nghiệm được chuyển sang phòng tách chiết và tra mẫu. Dựa vào sự phân tích của máy Reatime-PCR sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính nCoV. Về sau, công suất xét nghiệm lên 5.000 mẫu một ngày.
Bác sĩ cho biết từ khi phát hiện ca nhiễm đến nay, CDC Hải Dương đã xét nghiệm khoảng 30.000 mẫu bệnh phẩm.
Phòng làm việc nhỏ, đông nhân viên nhưng tất cả phối hợp rất nhịp nhàng khi được phân công nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm toàn bộ ê kíp xét nghiệm là chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Nhân Duy. Nhà khoa học cho biết, khi nhận được tin, ông và các đồng nghiệp đã bay từ TP HCM ra với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát dịch bệnh. Hầu hết thành viên trong nhóm đã từng chinh chiến ở Đà Nẵng và giờ tiếp tục "chia lửa" cùng Hải Dương.
Những ngày qua chị Thúy và tất cả mọi người tại Khoa gần như thức trắng. "Những đợt dịch trước rất căng thẳng và công việc vất vả, nhưng không áp lực tâm lý như đợt dịch này. Công việc phải chạy đua với số mẫu xét nghiệm, số mẫu lấy về để có kết quả nhanh nhất. Một số cán bộ khoa cũng phải chịu áp lực, stress khi chạy mẫu với nhiều kết quả dương tính", bác sĩ cho biết.
Bác sĩ Thúy cũng như mọi người một ngày chỉ ngủ 3 tiếng. Tất cả quân số khoa đều có mặt tại đơn vị với thời gian gần như 24/24h.
Khi màn đêm buông xuống, tòa nhà Khoa Xét nghiệm vẫn sáng đèn. "Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng nỗ lực với quyết tâm khi nào hết mẫu bệnh phẩm mới được phép cho bản thân nghỉ ngơi. Phải thật nhanh, thật thần tốc mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch", bác sĩ Thúy nói.