Luật sư Guillaume Matz tốt nghiệp ngành Tội phạm học với bằng ThS Luật Hình sự và Luật Công, được cấp phép hành nghề tại Pháp, Việt Nam. Ông quản lý một nửa mạng lưới toàn cầu của Tập đoàn Luật Harvey Law Group, bao gồm Paris, tham gia mở rộng mạng lưới văn phòng tập đoàn tại Campuchia, London và Bờ Biển Ngà. Trước khi định cư tại Việt Nam, ông từng sống và làm việc tại Paris, London và Bangkok. Với hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành văn phòng Harvey Law Group tại Việt Nam, Guillaume Matz chia sẻ những kiến thức thực tiễn về di trú và đầu tư khởi nghiệp dành cho doanh nhân Việt.
- Theo ông đâu là xu hướng dịch chuyển nổi bật trong thị trường di trú thời gian qua?
- Nhu cầu di trú, các chính sách về di trú của mỗi quốc gia luôn có sự biến thiên theo từng thời điểm. Xét về loại chương trình, tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế của từng nước mà các chương trình đầu tư di trú thụ động hay khởi nghiệp được ưu tiên.
Ví dụ, giai đoạn 2017-2019, các nước Vùng Caribe từng thúc đẩy rất mạnh các chương trình đầu tư di trú thụ động, tức là các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận được quyền cư trú thông qua việc đầu tư một khoản tiền đáng kể vào nền kinh tế các nước này. Đây là những năm Caribe bị ảnh hưởng bởi mùa bão Đại Tây Dương khốc liệt, cần FDI để tái thiết.Trong khi đó, Canada khuyến khích các chương trình đầu tư di trú khởi nghiệp từ 10 năm trở lại đây, ưu tiên các lãnh đạo doanh nghiệp có ý tưởng khởi sự và nguồn lực để vận hành doanh nghiệp tại Canada.
Xét về ngành nghề, tùy theo mức độ thâm hụt lao động một chuyên ngành nào đó mà các thường trú nhân có chuyên môn trong lĩnh vực sẽ được ưu tiên hơn. Ví dụ trong giai đoạn 2022 – 2023, để giải quyết tình trạng thiếu phi công thương mại, Mỹ đã mở rộng chính sách cho phép phi công thương mại và giáo viên hướng dẫn bay đủ điều kiện để được xem xét cấp thẻ xanh. Tương tự, với một số ngành như bác sĩ, đầu bếp, y tá, kỹ sư... cũng vậy. Nhìn chung, đa phần các nước hiện tại đều đẩy mạnh các chương trình đầu tư di trú khởi nghiệp, ưu tiên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các giải pháp đột phá và ảnh hưởng về mặt xã hội sẽ giúp giải phóng tiềm năng, thiết lập bệ phóng cho tương lai tươi sáng.
Thị trường di trú luôn luôn xoay vần và thay đổi, do đó luật di trú cũng thay đổi. Điều thú vị chính là khi các chính sách, luật lệ cũng trưởng thành dần với cuộc sống và nhu cầu con người.
- Khách hàng Việt Nam nên lựa chọn quốc gia để đầu tư định cư khởi nghiệp theo tiêu chí nào?
- Ba quốc gia đang có chương trình đi đầu tư định cư khởi nghiệp phù hợp nhất là Mỹ, Canada và Anh. Các khách hàng di trú cùng cả vợ chồng và con cái, thường ưu tiên các nước này vì an ninh đảm bảo, hệ thống giáo dục chất lượng cao, môi trường nhiều điểm tốt cho phát triển sự nghiệp và cá nhân.
Nhưng quan trọng không phải là quốc gia đó tốt như thế nào, mà là hình dung, cảm nhận của bạn về quốc gia đó ra sao. Bạn không thể làm ăn tốt, sống tốt ở một quốc gia mà bạn cảm thấy bất an. Bản thân tôi đã sống ở Việt Nam 10 năm, điều hành một doanh nghiệp với ba văn phòng chi nhánh. Tôi không thể làm vậy nếu không cảm thấy Việt Nam là nơi đáng sống. Năng lượng tốt đẹp ở quốc gia này khiến người dân luôn phấn chấn, cộng với văn hóa cần cù chăm chỉ, để cho ra năng suất cao và nhiệt huyết dồi dào, tâm thế sẵn sàng học hỏi và ứng dụng. Đây là điều kiện cần để đi đến thành công bền vững.
Một quyết định di trú đầu tư đúng đắn có thể được xem như một người "món quà đời người", được truyền thụ qua nhiều thế hệ. Không đơn thuần là được xuất ngoại, tôi muốn nói đến sự lựa chọn đa dạng trong tương lai. Bạn đời của bạn, hay con, cháu bạn có thêm lựa chọn và cơ hội để học tập, làm việc tại các quốc gia.
- Ông nhận định như thế nào về thời điểm vàng để đầu tư di trú khởi nghiệp?
- Thời điểm vàng để định cư là khi khách hàng nắm rõ luật và bản thân đã sẵn sàng cho hành trình mới. Miễn là bạn có tầm nhìn kinh doanh, có nguyện vọng đầu tư và làm ăn tại quốc gia di trú, sẽ luôn có con đường dành cho bạn. Cũng không có chương trình nào dễ hơn, mà chỉ có chương trình nào phù hợp hơn. Hãy nhìn các doanh nghiệp xung quanh bạn, họ không chờ "thời điểm vàng" để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, vì nếu chờ thời thì có thể sẽ phải chờ 10 năm, thậm chí 20 năm. Lúc đó, chưa chắc ý tưởng kinh doanh đó đã còn khả thi.
Do đó, miễn là bạn có tầm nhìn kinh doanh thực sự, có nguyện vọng đầu tư và làm ăn tại quốc gia di trú thực sự, thì sẽ luôn có con đường dành cho bạn. Cũng không có chương trình nào dễ hơn, mà chỉ có chương trình nào phù hợp hơn.
Ví dụ với Mỹ, chương trình đầu tư thụ động EB-5 đã có từ tận năm 1992. Điều kiện để nộp hồ sơ chương trình không quá khắt khe, nhưng thời gian xử lý hồ sơ có thể kéo dài tới trung bình 2 năm, một số trường hợp tốn đến 5 - 7 năm. Sau đó, thường trú nhân phải chờ tiếp 2 – 3 năm mới lấy được thẻ xanh. Trong 4 – 5 năm đó, rất nhiều điều không thể đoán định có thể xảy ra với cuộc sống của bạn.
Còn với chương trình di trú khởi nghiệp EB-2 NIW, khoản đầu tư chỉ là thứ yếu, còn ý tưởng kinh doanh mới là yếu tố tiên quyết. Nhưng bù lại, thời gian xử lý hồ sơ theo dạng xử lý ưu tiên được rút ngắn xuống chỉ còn 45 ngày.
- Theo ông, trở ngại lớn nhất mà khách hàng Việt Nam gặp phải khi nộp hồ sơ di trú đầu tư là gì?
- Sự khác biệt về văn hóa và quy định giữa nước sở tại và nước di trú. Thẩm định viên thường xem xét các yếu tố mà không đặt trong ngữ cảnh. Ví dụ, một kế hoạch kinh doanh của thường trú nhân từ Mỹ sẽ khác từ Pháp, Campuchia, Ấn Độ, Việt Nam. Để công bằng, thẩm định viên cần phải hiểu bối cảnh, văn hóa quốc gia sở tại của ứng viên và kế hoạch kinh doanh đó.
Luật pháp, quy định của các nước cũng không giống nhau. Điều đúng ở nước này, có thể không đúng ở nước khác. Chỉ cần một bước sai sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư của khách hàng, từ đó ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh. Khi đó, vai trò của các hãng luật di trú quốc tế như Harvey Law Group trở nên vô cùng quan trọng.
Với 24 văn phòng tại 13 nước, 3 châu lục trên thế giới, chúng tôi sẽ mang lại cho khách hàng bức tranh toàn cảnh về cả hai quốc gia, tư vấn về pháp lý, làm việc với thẩm định viên để điều chỉnh góc nhìn, tất cả mọi khâu. Nếu xảy ra tranh chấp, hãng luật như chúng tôi có thể thực hiện tố tụng để đòi quyền lợi hợp pháp cho khách. Đây là dịch vụ bảo hành trọn gói mà các công ty tư vấn di trú đơn thuần khó có thể cung cấp. Đây không chỉ là số liệu để khoe, mà thực sự mang lại lợi thế, khi chúng tôi có kinh nghiệm bản địa tại hầu như bất cứ nơi nào mà bạn đang sinh sống và muốn di trú tới. Harvey Law Group đóng vai trò như một cầu nối, kết nối các doanh nhân Việt Nam với mạng lưới rộng lớn để thúc đẩy sự phát triển.
Ngược lại, Harvey Law Group cũng đặt ra tiêu chuẩn cao trong việc lựa chọn khách hàng. Chúng tôi có những vòng kiểm định chặt chẽ đối với hồ sơ khách hàng. Thường, chúng tôi sẽ từ chối cung cấp dịch vụ cho những khách không chứng minh được mục tiêu kinh doanh thực sự, lý lịch thiếu minh bạch, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của thương hiệu.
- Ông có lời khuyên gì cho các khách hàng tại Việt Nam?
- Khách hàng cần tỉnh táo và cẩn thận. Nhiều khách hàng đang bị dẫn dắt sai bởi những đơn vị tư vấn thiếu chuyên nghiệp. Hệ quả là có nhiều hồ sơ di trú đầu tư ảo, giả mạo theo hình thức kế hoạch kinh doanh được thêu dệt hấp dẫn nhưng thực tế bên trong hoàn toàn trống rỗng. Điều này gây ấn tượng xấu với nhiều Chính phủ, khiến các hồ sơ chân chính bị ảnh hưởng. Các thẩm định viên thường không tìm tìm điểm tốt trong hồ sơ để phê duyệt; mà tìm điểm yếu để loại hồ sơ của ứng viên hơn. Tuy nhiên, mọi việc đều có hai mặt. Có những hồ sơ giả mạo thì sẽ làm gia tăng sự tương phản, nâng tầm chất lượng các hồ sơ chân chính lên. Những nhà đầu tư đích thực vẫn sẽ luôn có cơ hội. Chỉ là họ sẽ phải cẩn thận hơn, mỗi bước đều phải thật chắc chắn. Tôi nghĩ rằng khi bạn làm một việc gì thực sự nghiêm túc, thì có cánh cửa mở ra chào đón bạn, dù sớm hay muộn.
- Các nước đang phát triển như Việt Nam hưởng lợi ra sao từ chương trình đầu tư định cư khởi nghiệp, thưa ông?
- Đầu tư định cư khởi nghiệp đang tạo ra những làn sóng đa chiều. Doanh nhân Việt Nam đang góp phần định hình lại bức tranh di trú trên toàn cầu. Nhiều người nước ngoài tìm đến Việt Nam để đầu tư và làm việc, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển cho cả hai bên. Đồng thời cũng có nhiều doanh nhân Việt Nam mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, mang ngoại tệ về cho đất nước. Theo quan sát của tôi, trên 70% các doanh nhân Việt vẫn ở lại Việt Nam sau khi được cấp thẻ cư trú tại nước khác. Việt Nam vẫn là đại bản doanh của doanh nghiệp của họ, là cái gốc của các chi nhánh nước ngoài. Công ty gốc hoạt động tích cực, các chi nhánh mới có thể phát triển, do đó,Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia được ưu tiên.
Họ thường di chuyển và cư trú vài tháng ở nước ngoài theo mùa vụ hoặc lịch học của con cái, rồi sau đó quay lại Việt Nam. Tựu chung lại, di trú đầu tư mở ra kênh trao đổi và luân chuyển nguồn lực, chất xám giữa các nước. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Đây là các chương trình win - win - win, khi cả nước sở tại, nước điểm đến, và thường trú nhân cùng có lợi.
Tuệ Anh