Đại biểu Dương Thu Hương khẳng định, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập WTO phải được thực hiện gấp rút. "Nước không phải đến chân mà đến mũi rồi, cần phải có một điểm tỳ pháp lý để giải quyết mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước", bà nói. Cũng như nhiều đại biểu, bà Hương đồng tình với khoản 1 của điều 4. Đó là trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Tuy nhiên, bà Hương băn khoăn quy định trên chỉ áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, vậy còn những văn bản đang soạn thảo và sắp ban hành sẽ như thế nào? Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đáp ngay: "Ta không thể ngồi chờ luật quốc tế ban hành rồi mới làm luật Việt Nam. Luật quốc gia phải đảm bảo tính độc lập".
Với khoản 2, điều 4, đa số đại biểu cho rằng nên chọn phương án 1, tức là văn bản quy phạm pháp luật ban hành phải không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề. Lý do là quy định này một lần nữa khẳng định Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế. Còn nếu chọn phương án 2, tức là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải "tính đến" điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa thể hiện rõ cam kết của Việt Nam. Cụm từ "tính đến" nặng tính xem xét, cân nhắc mà chưa có tính ràng buộc.
Liên quan đến việc luật có điều chỉnh cả thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban soạn thảo đã không đưa nội dung này vào với lý do chúng sẽ phá vỡ tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu đợi để ban hành một luật khác quy định về thỏa thuận quốc tế thì sẽ không đảm bảo tính đồng bộ với việc thực thi điều ước quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan khẳng định, dự luật nên có một chương riêng quy định về thỏa thuận quốc tế với 3 lý do. Thứ nhất, thỏa thuận thực chất là cụ thể hoá những điều ước quốc tế đã ký kết. Thứ hai, về bản chất chúng giống nhau, chỉ khác về cấp độ (một đằng là của trung ương, một đằng của địa phương). Thứ ba, nếu không thực hiện tốt thỏa thuận quốc tế sẽ ảnh hưởng xấu đến chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Dự luật dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 7. Ngày mai, hội nghị sẽ bàn về dự án Luật đường sắt Việt Nam.
Như Trang