Công nhân của các hãng ôtô tỏ ra lo ngại rằng robot và các thiết bị tự động sẽ thay thế công việc của con người, dẫn đến cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, trong 4 năm qua số lượng nhân công của các hãng xe lớn đều tăng thêm thay vì giảm đi.
Theo Bloomberg, trong 13 hãng xe có số nhân công tối thiểu 100.000 người, 11 hãng đã tăng số lượng kể từ cuối năm 2013 đến hết 2017. Hiện tại, số lượng nhân công tăng lên mức khoảng 3,1 triệu người, tăng 11% so với 4 năm trước.
Các hãng xe tại Trung Quốc và những thị trường mới nổi có số lượng nhân công tăng lên mạnh, ưu tiên nhân công thay vì máy móc bởi chi phí đầu tư ban đầu thấp, chuyên gia phân tích Steve Man của Bloomberg cho biết. Trong khi đó, tại những thị trường phát triển, việc máy móc thay phần con người đã diễn ra từ nhiều năm trước, hiện các hãng thuê người tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Ba hãng xe lớn tại Trung Quốc gồm SAIC, Dongfeng và BYD tăng trưởng nhân sự hơn 24% trong khoảng 4 năm qua. Trong khi đó, số nhân công thuộc Volkswagen chiếm một phần năm tổng của 13 hãng, tăng trưởng 12%.
GM giảm khoảng 18% nhân công, còn 180.000 người, do bán lại chi nhánh châu Âu cho PSA Group năm ngoái. Nissan Motor có lượng nhân công giảm khoảng 2,8%, còn 139.000 người. Cũng theo thống kê của Bloomberg, 40% nhân công ngành ôtô là phụ nữ, tăng trưởng so với 38% của 4 năm trước.
Hiện tại, các hãng ôtô tuyển dụng người cho vị trí liên quan đến phần mềm nhiều hơn phần cứng. Bởi xu hướng trong tương lai, phương tiện có thể giao tiếp với nhau và có tính tự động hoá nhiều hơn. Sự phát triển của xe điện cũng là một lý do khiến nguồn nhân lực về phần mềm tăng trưởng.
Hết năm 2017, số lượng phương tiện sản xuất trên thế giới đạt mức 97 triệu chiếc, tăng 11% so với năm 2013. Các nhà máy tại Trung Quốc sản xuất khoảng 30% tổng sản lượng xe, Mỹ chiếm 12%, Nhật chiếm 10%, Đức chiếm 6% và 5% tại Ấn Độ.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ hơn một nửa doanh số xe toàn cầu trong năm ngoái. Doanh số toàn cầu năm 2017 đạt 85 triệu xe, tăng 11% so với 2013.
Phương Linh