Theo một số cửa hàng kinh doanh máy ảnh có tiếng ở Hà Nội, sức mua mặt hàng máy ảnh số ống kính rời thời gian vừa qua không ngừng tăng lên. Phan Hoa Digi (125E Lò Đúc) cho biết, số lượng máy D-SLR tiêu thụ được tại cửa hàng ở thời điểm này tăng tới hơn 50% so với một năm trước đây. Trong khi đó, doanh số D-SLR của Techland (35 Hàng Khay) trong quý II cũng tăng tới 40% so với quý I.
Sở hữu D-SLR không còn là một ước mơ xa xỉ của người dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người dùng phổ thông nâng "trình"
Điều đáng chú ý là, nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu của loại sản phẩm này thường là những tay máy chuyên nghiệp, như phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh hay các tay thợ ảnh, thì nay, đa phần người mua lại là những khách hàng phổ thông, mua về để chụp chơi và để "vọc".
Lý giải cho điều này, giám đốc Phan Hoa Digi cho biết, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến D-SLR thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng phổ thông Việt Nam trong thời gian gần đây. Thứ nhất, D-SLR luôn tỏ rõ tính ưu việt so với máy ảnh compact về tính năng, tốc độ hoạt động và chất lượng những bức ảnh chụp được. Sau một thời gian sử dụng máy ảnh compact, khi đã có chút vốn liếng kiến thức về nhiếp ảnh, người chụp thường có mong muốn chuyển sang sử dụng máy ảnh số ống kính đơn để nâng "trình" và để có được những bức ảnh đẹp hơn.
Tuy nhiên, nếu như giá bán của máy vẫn còn cao như khoảng 2 - 3 năm trước đây, cũng thật khó để những người dân Việt Nam thu nhập trung bình có thể mơ đến một chiếc D-SLR. Do đó, nguyên nhân thứ hai dẫn tới việc sức mua tăng đột biến thời gian gần đây là do giá cả của những dòng máy D-SLR đã giảm đáng kể, ngày càng tiến gần hơn tới túi tiền của người tiêu dùng. Ví dụ, Canon 30D thời điểm đầu năm 2006 là hơn 2.000 USD, nhưng phiên bản 40D mới ra mắt chỉ có giá 1.265 USD.
Nikon và Canon là hai thương hiệu được các tay máy Việt Nam tin dùng. Ảnh: Japanpix. |
Dòng entry-level bán chạy
Thực tế cũng cho thấy, những mẫu máy bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam trong thời gian vừa qua là những model được các hãng sản xuất xếp vào hạng entry-level, tức là những model tầm thấp, có giá tiền khoảng 600 - 700 USD. Theo các cửa hàng kinh doanh máy ảnh trên địa bàn Hà Nội, những model như 350D, 400D của Canon, D40, D70 hay D80 của Nikon là những mẫu máy được khách hàng Việt Nam tìm mua nhiều nhất. Thậm chí ở một vài thời điểm, các model trên còn rơi vào tình trạng cháy hàng.
Những mẫu máy đời cao hơn như 5D, 1Ds Mark II, 1D Mark III của Canon, D2Hs, D2Xs của Nikon, tuy có bán được nhưng do đối tượng khách hàng bị giới hạn, nên số lượng máy tiêu thụ được là không nhiều. Thường chỉ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc những tay máy không chuyên nhưng lắm tiền, thích chơi sang mới tìm đến với những sản phẩm này. Trong khi đó, máy của các hãng khác như Pentax, Olympus, Fujifilm cũng chỉ bán được rải rác, không thấm vào đâu so với 2 ông lớn Canon và Nikon.
Người đi mua đa phần là những tay máy không chuyên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiềm năng vẫn còn rất lớn
Các con số thống kê mới nhất trên thị trường thế giới thời gian gần đây đều cho thấy doanh số của mặt hàng máy ảnh D-SLR đang tăng nhanh một cách chóng mặt, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Các dự báo đưa ra cũng đều cho dấu hiệu hết sức lạc quan.
Các tin liên quan |
*Máy ảnh số tăng trưởng vượt mong đợi |
*Thị trường máy ảnh số tăng trưởng mạnh |
*Lợi thế và hạn chế từ máy ảnh D-SLR |
Theo Hiệp hội máy ảnh và các thiết bị nhiếp ảnh quốc tế (CIPA), lượng máy ảnh số ống kính rời tiêu thụ được trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm của năm ngoái đã tăng tới 75%. Ấn tượng hơn, con số tương ứng của khu vực châu Á lên tới 136%. Dự báo đến năm 2011, thị phần của mặt hàng này còn cao hơn gấp đôi so với hiện nay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, những tín hiệu thu nhận được cũng vô cùng hứa hẹn. Theo kết quả của cuộc khảo sát được Số Hóa tiến hành từ ngày 11/8 cho đến nay, có tới 52,6% số người được hỏi cho biết, họ dự định cuối năm nay sẽ mua một chiếc D-SLR. Trong khi đó, chỉ có 22,8% có dự định mua máy ảnh compact.
Kết quả khảo sát của Số Hóa. Ảnh chụp màn hình. |
Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn không ngừng tăng lên, thì ở cán cân bên kia, các nhà sản xuất cũng đang có những động thái hết sức tích cực nhằm chuẩn bị đủ nguồn cung cho thị trường trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Cách đây khoảng 1 tháng, cả Canon và Nikon gần như cùng lúc giới thiệu 4 mẫu máy D-SLR mới, thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Với Canon là 1Ds Mark III và 40D, còn Nikon có D3 và D300. Sau đó không lâu, đến lượt Sony ra Alpha A700 và Panasonic ra Lumix DMC-L10. Tất cả các mẫu máy này dự kiến đều sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm nay. Thậm chí, model 40D của Canon hiện đã xuất hiện tại một số cửa hàng máy ảnh tại Hà Nội.
Xu hướng chung của những chiếc máy ảnh số ống kính rời mới ra năm nay được giới chuyên môn đánh giá là đã đề cao lợi ích của người tiêu dùng, với việc tăng tính năng, giảm giá thành. Minh chứng rõ nét nhất chính là model 40D của Canon. Tuy đã được nâng cấp khá nhiều so với 30D, với cảm biến có độ phân giải lớn hơn, màn hình LCD rộng hơn, bộ xử lý ảnh Digic III mới hơn và rất nhiều tính năng, công nghệ được cải tiến, nhưng chiếc máy bán chuyên này hiện được bán ở Việt Nam với mức giá chỉ là 1.265 USD cho thân máy.
Nhu cầu mua máy D-SLR của người dân Việt Nam vẫn còn rất cao. |
Theo công ty nghiên cứu thị trường InfoTrends, năm nay, thị trường máy ảnh số ống kính rời thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 35% so với năm ngoái. Còn tại Việt Nam, trong khi nhu cầu của người dân vẫn đang tăng lên từng ngày, giới nhiếp ảnh trong nước hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi mức tăng trưởng ấn tượng hơn rất nhiều, trong năm nay và một vài năm sắp tới.
Anh Linh