Theo phân tích dữ liệu của The Wall Street Journal, trong vòng 3 năm tới, lần đầu tiên, các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ sử dụng nhiều công nhân có trình độ đại học hơn là trung học trở xuống. Đây là một phần của tự động hóa, giúp tăng sản lượng, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ nhưng cũng giảm triển vọng với lao động tay nghề thấp.
"Bạn đã từng làm công việc bằng tay. Bây giờ, chúng tôi cần những công nhân có thể quản lý máy móc", Erik Hurst, Giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago bình luận.
Các nhà sản xuất Mỹ đã tạo ra thêm hơn một triệu việc làm kể từ suy thoái kinh tế. Trong đó, số việc làm có bằng cấp đã tăng lên trong khi số việc làm chấp nhận trình độ trung học giảm. Cụ thể, các công việc đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp nhất, chẳng hạn như kỹ sư công nghiệp, tăng 10% từ năm 2012 đến 2018. Những công việc đòi hỏi ít kỹ năng nhất thì giảm 3%.
Những cải tiến trong sản xuất đã làm cho các nhà máy của Mỹ làm việc hiệu quả hơn bao giờ hết. Mặc dù lượng tuyển dụng tăng trưởng gần đây, ngành công nghiệp sản xuất nước này cần ít hơn một phần ba so với gần 20 triệu công nhân vào năm 1979.
Các nhà sản xuất đã tạo thêm 56.000 việc làm trong năm nay, so với 244.000 việc làm vào cùng kỳ năm ngoái. Hơn 40% công nhân sản xuất có bằng đại học, tăng từ 22% vào năm 1991. "Các công nhân làm những công việc đòi hỏi nhận thức cao hơn nhiều", David Autor, Giáo sư kinh tế tại MIT nói.
Khảo sát các công việc do Caterpillar, một nhà sản xuất và kinh doanh máy móc, đăng tuyển trong thời gian gần đây cho thấy, hơn bốn phần năm công việc yêu cầu hoặc ưu tiên có bằng đại học. Phần lớn các công việc sản xuất của công ty bắt buộc phải có bằng cấp hoặc kỹ năng chuyên môn.
Thời gian tới, đầu tư vào tự động hóa sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất nhà máy với số lượng công nhân ít hơn. Các công việc còn lại dự kiến sẽ ngày càng được lấp đầy bởi các công nhân từ các trường đại học, trường kỹ thuật, khiến những học sinh tốt nghiệp trung học và bỏ học còn ít cơ hội hơn. Công nhân sản xuất bị sa thải trong những năm qua cũng sẽ khó tìm được nơi phù hợp.
Advantage Conveyor ở Raleigh (Bắc Carolina) đã chi hơn 2 triệu USD trong thập kỷ qua cho các máy cắt và uốn kim loại, nhựa nhằm phục vụ chế tạo sản phẩm băng tải. Máy móc mới cho phép tạo ra nhiều sản phẩm hơn trên mỗi công nhân so với thời họ từng gia công bằng tay.
Một số công nhân được chỉ định ở lại. Những người khác đã bị sa thải. Vann Webb, chủ tịch của công ty cho biết, hầu như lao động phải có bằng chuyên môn hai năm để làm việc trong nhà máy của ông.
Tại nhà máy động cơ của Harley-Davidson tại Milwaukee, các cánh tay robot sẽ đảm nhận công việc khó khăn như vận chuyển các mảnh xe máy. Giám đốc nhà máy Chuck Statz nói máy móc đã làm cho công việc an toàn hơn. Năm 2018, tai nạn lao động giảm một nửa so với năm 2003.
Harley-Davidson tuyển dụng 2.200 công nhân sản xuất vào năm 2018, ít hơn 400 so với năm 2014. Tổng cộng, công ty có 10.000 công nhân vào cuối năm ngoái, giảm từ 15.000 vào năm 2007. Trong cùng giai đoạn, doanh thu tăng 20%.
Tại Pioneer Service, một nhà máy ở ngoại ô Addison (Chicago), công nhân mặc áo polo và quần jean, một số có bằng cấp cao, nhập mã lệnh cho robot chế tạo các bộ phận hàng không vũ trụ phức tạp.
Khung cảnh khác xa so với Pioneer vào những năm 1990, khi các công nhân phải mặc đồng phục để che chắn quần áo khỏi dầu mỡ, bay ra từ những chiếc máy thủ công từ thời những năm 1960. Nhà máy chỉ có 40 người, duy trì từ năm 2012. "Thời bây giờ có nhiều công nghệ hơn nên cần có nhiều kỹ năng hơn", Aneesa Muthana, Chủ tịch và Đồng sở hữu Pioneer nói.
Bà Muthana từng phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn vào năm 2012: đầu tư thêm hàng triệu USD để tự động hóa nhà máy, hay đóng cửa công ty mà bà thành lập 30 năm trước.
Khi ấy, các khách hàng lớn nhất của Pioneer đã chuyển sang các nhà cung cấp nước ngoài rẻ hơn. Kinh doanh giảm 90% trong một năm. Công ty nợ các nhà cung cấp nhiều hơn nguồn thu mà các đơn đặt hàng có thể chi trả.
Thay vì bỏ cuộc, bà đã thuê nhân viên kinh doanh đầu tiên của Pioneer. Họ nhận ra các nhà sản xuất xe cần các linh kiện kim loại phức tạp. Nếu làm được, Pioneer có thể kiếm lời nhiều hơn việc sản xuất các bộ phận cho máy sưởi và điều hòa không khí như trước.
Vấn đề là máy móc cũ của Pioneer năng suất kém. Vì vậy, Muthana tìm kiếm những cỗ máy có thể được lập trình để cắt và khoan chính xác những phần phức tạp trong một thao tác. Đến nay, bà đã bỏ ra 6 triệu USD để nâng cấp thiết bị.
Vào một buổi sáng gần đây, các công nhân của Pioneer kiểm tra các bộ phận mà thiết bị tự động đã tự làm qua đêm. Đèn vàng trên một máy lọt vào tầm mắt của kỹ thuật viên Stacy Czyzewski, báo hiệu một bộ phận hao mòn cần thay thế.
Sửa chữa xong, cô lưu lại công việc trên iPad của mình và lau tay vào một chiếc khăn. Chiếc áo polo đen của cô, được in logo của Pioneer, sạch không tì vết.
Cô Czyzewski trước đây đã làm việc 5 năm tại một nhà máy của Altria Group. Khi nó đóng cửa vào năm 2017, khoản trợ cấp đã giúp cô Czyzewski trả tiền cho chương trình đào tạo kéo dài 4 tháng, nơi cô học cách vận hành các máy móc được sử dụng tại Pioneer.
Trong một căn phòng khác ở trung tâm của nhà máy Pioneer, Rachith Thipperi chuyển đổi đơn đặt hàng của khách thành bản thiết kế 3D, được sử dụng để lập trình máy. Anh bắt đầu làm việc tại Pioneer với tư cách là một thực tập sinh khi đang học thạc sĩ ngành kỹ sư cơ khí tại Đại học Illinois (Chicago).
Công nhân sản xuất tại Pioneer có lương khởi điểm ở mức 14 USD một giờ và tăng lên 27 USD một giờ theo cấp độ kinh nghiệm. Trước khi đầu tư vào máy móc hiện đại, lương công nhân khởi điểm gần mức lương tối thiểu, là 8,25 USD một giờ.
Bà Muthana vẫn tham dự các hội chợ việc làm đại học để tìm công nhân có kỹ năng và mong muốn học hỏi. "Tôi đã sẵn sàng cung cấp cho bạn những cơ hội. Tuy nhiên, nếu bạn không sẵn sàng thay đổi, bước ra khỏi vùng thoải mái của mình thì tôi không giúp gì được", bà nói.
Phiên An (theo WSJ)