Ông Hùng 52 tuổi, là người cuối cùng làm nghề rèn ở phố cổ Lò Rèn, Hà Nội. Gia đình 3 đời theo nghề này, nhưng hiện chỉ có ông Hùng nối nghiệp. Các cụ nhà ông vẫn truyền, trước đây người dân làng Canh (huyện Từ Liêm) có nghề đặt bễ rèn những đồ dân dụng bằng sắt. Họ gánh bễ đi khắp nơi rèn thuê nông cụ, đồ dùng gia đình cùng những vũ khí nhỏ. Về sau người làng Canh di cư lên Hà Nội, mở lò rèn làm nên phố Lò Rèn. Trước đó con phố này có tên là Hàng Bừa.
Ký ức ông Hùng vẫn ghi nhớ ông nội làm nghề rèn thời Pháp thuộc. Ngày ấy, Pháp sang nước Việt mang theo nhiều máy móc, xây dựng nhà cửa, đường xe lửa, cầu sắt và thuê thợ rèn gia công bu lông, bản lề, đinh ốc. Thời ấy không nhiều việc nên lò rèn chỉ hoạt động ở mức duy trì.
Đến bố ông - thời bao cấp, thợ rèn vào làm ở hợp tác xã dưới Hàng Chiếu. Lò rèn trên phố của gia đình ông hoạt động lén lút. Sau này, khi mở cửa, các lò rèn mới mọc lên sầm uất, dọc phố Lò Rèn đâu đâu cũng nghe tiếng đóng búa. Những buổi chiều mưa phùn gió bấc, con phố buồn hiu vắng người qua lại chỉ còn nghe tiếng búa nặng nhẹ khiến không gian thêm ảm đạm. Ông Hùng nhớ, thời bấy giờ, bố ông chuyên làm máy ép mía quay tay, rèn đạo cụ cho các sân khấu kịch, cải lương và sửa chữa kẹp sân khấu, đao, kiếm.
Ông Hùng tâm sự, nghề rèn đến với ông như một 'nghiệp chướng' của số phận. Ảnh: Bình Minh. |
Năm 4 tuổi, ông Hùng đã mon men ra lò rèn phụ quay bễ, quét dọn, đun nước và cầm dụng cụ nọ, lấy đồ nghề kia giúp bố. Nghỉ hè năm lớp 7, mỗi ngày ông đóng búa 1-2 tiếng, xong việc được bố cho 1-2 hào đi ăn kem. Mãi tới năm cấp 3, ông Hùng mới bắt đầu phụ việc cho bố. Biết nghề nhưng chưa yêu nghề, ông chỉ thích vứt búa đi chơi. Mẹ ông sợ con làm thợ rèn sau khó lấy vợ nên cho đi học nghề ở trường trung cấp, phần cũng vì vào đấy có tem phiếu ăn bo bo, bánh mì.
Là con nhà nòi nên ông Hùng sẵn có gene trong người. Chưa từng được hướng dẫn nhưng những lần ra phụ giúp, quan sát bố cộng với kiến thức và cả kinh nghiệm thực tế, khi tiếp quản công việc ở lò rèn, tay nghề của ông đã khá vững vàng.
Ngày còn trẻ, ông Hùng học trung cấp cơ khí giao thông, ra trường làm nhà máy rồi đi bộ đội. Ra quân, ông nghỉ việc sau một thời gian làm cho nhà máy cơ khí. Để kiếm sống, ông làm đủ nghề, từ thợ hàn, khung nhôm, cửa hoa, cửa sắt đến lái xe nhưng không làm rèn. Thấy con trai út "lông bông", trước khi nghỉ hưu, bố ông gọi con lại và khuyên nên theo nghề truyền thống gia đình. Tưởng có thể đồng ý cho xong, càng làm, nghề rèn càng khiến ông "say", tâm hồn vui vẻ, thoải mái. Đến khi bố gần 80 và buông tay khỏi bếp lửa, ông Hùng mới chính thức tiếp quản chiếc ghế thợ cả, đến nay đã cả thập kỷ.
Trước khi quyết định "dừng chân" ở lò rèn gia đình, ông Hùng bị vợ cho là "dở hơi" và nếu biết ông làm thợ rèn, bà đã chẳng thèm lấy ông. Khi ấy, vợ ông Hùng làm nhà nước, con cái đang tuổi ăn tuổi lớn nên việc ông ngồi góc phố nhem nhuốc cả ngày thật kém oai.
Người thợ ngoại ngũ tuần lý giải, nghề rèn không phải ai cũng làm được, phải có tâm, sự dẻo dai và cả sức chịu đựng. Ngay cả tiếng búa gò, đập nặng, nhẹ, cách nung sắt ở nhiệt độ bao nhiêu, cũng là cả một nghệ thuật. Cầm búa đúng cách, cầm chắc và không dùng lực của cả cánh tay giúp bàn tay ông không có vết chai dẫu đã chục năm làm nghề.
Ảnh người thợ rèn cuối cùng trên phố Lò Rèn
Hiện tại máy móc đa dạng, sản phẩm làm ra hàng loạt nhưng ông Hùng vẫn tự tin vì nhiều chi tiết vẫn phải cần tới độ tỉ mỉ, thủ công của thợ rèn. Ảnh: Bình Minh. |
Thợ rèn cho rằng, thời ông mình có tư duy, đến đời bố kế thừa những gì có sẵn từ trước nhưng "cổ hủ". Trước đây cứ "rèn là rèn" mà không phân biệt các loại sắt, giờ thì thợ rèn phải biết loại nào dùng làm khuôn, làm đục. Ông còn nhớ, để tính đường kính, bố ông dùng sợi dây uốn tròn tròn, dùng cân cân chiếc búa lên để biết cần bao nhiêu sắt rèn.
Với ông, cách làm đó "cũng chuẩn thôi" nhưng thời đại của ông có học có khác. Áp dụng toán học và biết sáng tạo, người thợ sẽ nhàn và hiệu quả công việc cao hơn. Ông thừa nhận, xét về độ cần cù thì không thể bằng bố nhưng ông làm nhanh hơn nhờ biết áp dụng kiến thức và máy móc.
Nơi làm việc của ông Hùng bây giờ gói gọn trong không gian hình tam giác rộng khoảng 4m2 được ngăn ra từ căn nhà mặt phố đồ sộ của gia đình. "Tam giác vàng" trên phố cổ ấy xưa kia từng giúp bố ông sống được với nghề và nuôi đàn con 7 đứa, nay giúp ông Hùng có cuộc sống đủ đầy. Bên trong cửa hàng chất đầy sắt thép và những đồ khách đặt làm nên ông dọn cho mình một chỗ phía ngoài.
Ông Hùng vừa tếu táo chuyện trò vừa thoăn thoắt đóng búa. Chốc chốc có khách đến nhờ làm mũi khoan phá bê tông, rèn thiết bị cơ khí, ông lại rời chỗ để tư vấn cho họ. Đôi găng tay đầy muội than bẩn bết lại, mỗi lần ông đưa tay gỡ chiếc mũ lưỡi trai khỏi đầu là lại quệt vài vết nhọ lên mặt.
"Trước đây, tôi nghĩ đời mình sẽ không bao giờ làm thợ rèn nhưng âu cũng là cái nghiệp", ông Hùng cười khà khà.
Ông tâm đắc một điều, làm nghề có tâm và sự say mê mới ra được những sản phẩm có hồn. Trước đây làm ở nhà máy chỉ mau chóng muốn có tiền mà không đam mê. Từ khi thành thợ rèn, ông cảm thấy yêu đời, muốn gắn bó với công việc mang lại cho mình sự thanh thản. Cuối ngày, ông còn mang về cho vợ từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Ngoài vật chất, công việc cũng mang lại cho ông cả niềm tự hào: Làm ở phố cổ và giờ là người duy nhất giữ được lò than rực hồng trên phố Lò Rèn. Ông Hùng tâm sự, lúc còn nhỏ, các con ông chẳng mấy quan tâm bố làm gì. Sau lớn hơn, chúng không thấy xấu hổ với bạn bè mà còn hãnh diện vì bố mình là thợ rèn duy nhất của con phố nức tiếng xưa kia.
Chiếc búa hiện tại ông Hùng sử dụng in dấu tay lõm xuống. Ảnh: Bình Minh. |
Khác với thời ông nội, lò rèn thường có 5 người (một thợ cả, một người ngồi quạt cho thợ cả, một quay bễ và hai thợ phụ), thời bố chỉ cần một thợ cả và một phụ. Đến đời mình, ông không cần phụ. Do số người khác nhau nên cách sử dụng búa của thợ rèn cũng không giống nhau. Nếu có thợ phụ, thợ cả chỉ cần dùng tới búa nhẹ. Người thợ chính sẽ đóng vai trò làm "nhạc trưởng" và ra hiệu bằng tiếng búa nên không mất sức. Chỉ có một mình nên ông Hùng phải dùng búa nặng hơn.
Ngày nay máy móc nhiều nhưng ông Hùng vẫn tự tin khi không ít sản phẩm búa máy không thể làm hàng loạt được mà cần thủ công, tỉ mỉ. Bởi vậy, hàng ngày lượng khách đến với ông vẫn ổn định. Nhiều khách từ thời bố ông, giờ vẫn lui tới lò rèn để đặt hàng. Thợ rèn này thừa nhận, mình ông không thể "ôm cả bầu trời" nên lắm lúc phải "đuổi khách".
Khách hàng tin tưởng, việc đều đặn nên ông chẳng bao giờ nỡ rời xa lò rèn một ngày. Nhà có việc nhưng ông cũng chỉ có mặt một lát hoặc nhờ vợ vì còn phải làm nghề cho kịp hẹn với khách. Hai đứa con ông đều đã tốt nghiệp đại học và thành đạt, không có ý định theo nghề bố, thậm chí không phân biệt nổi lò và bễ.
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Chắc tôi chỉ làm rèn đến hết đời mình nữa là thôi. Khi nào tôi ngưng tay búa, tên phố Lò Rèn chỉ còn là hư vô vì nghề làm ra phố chứ phố không làm ra nghề", ông Hùng nói.
Clip niềm tự hào của người thợ rèn phố cổ Hà Nội
Bình Minh