22 hộ dân trồng lúa ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, mấy ngày qua đưa những bao lúa đen ngòm ra phơi rồi lại dọn vào, không biết nên đổ hay giữ lại. "Xay gạo ra cũng không thể nấu cơm ăn được, vì mùi vị khác thường, nước cơm ngả màu, nổi váng", ông Bùi Văn Mười nói. Mấy tạ thóc gia đình ông gặt về đều chuyển màu đen, xốp nhẹ hơn bình thường.

Hơn 1,9 hecta lúa của người dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu bị đổi màu do ngâm dưới nước than đen. Ảnh: Đông Vân
Do thổ nhưỡng và đặc thù thời tiết, mỗi năm người trong thôn chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân. Lão nông Lê Mẫn buồn rầu cho biết, mọi năm gia đình gặt 4 sào lúa, được hơn 20 bao (50 kg/bao) nên đủ lương thực cho cả năm. Thi thoảng nhà có việc gấp còn có lúa chở đi bán để xoay tiền. Còn năm nay bỗng dưng phải tính chuyện đi mua gạo ăn.
Người dân khẳng định, nguyên nhân hạt lúa bị đen là nước từ bãi than của một doanh nghiệp nằm ở vị trí cao trong thôn chảy xuống ngập đồng sau trận mưa lớn hồi cuối tháng 3. Những bông lúa gần đến độ thu hoạch khi đổ xuống đã ngâm trong than đen và biến màu theo.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Nhơn, hơn 1,9 hecta lúa của bà con bị hư hại do nước từ bãi than chảy xuống ruộng. Đây là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Một số hộ dân đang tận dụng lúa hư hại để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
UBND xã Hòa Nhơn cùng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện đã làm việc với người dân và chủ bãi than. Theo Phó chủ tịch xã Nguyễn Đăng Tường, phía doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ mỗi sào lúa 600.000 đồng, bắt đầu nhận tiền từ ngày 12/5. Do mức hỗ trợ thấp, xã đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ giống vụ tới cho người dân.
"Chúng tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo huyện, đề nghị di dời bãi than này ra khỏi địa phương, không nằm trong khu vực đầu nguồn để tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân", ông Tường nói.

Ông Lê Mẫn phơi lúa nhưng không dám xay gạo về nấu ăn. Ảnh: Đông Vân
Vị trí của bãi than nằm cao so với đồng ruộng, hồ lắng nhỏ, không có hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết đang hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt đối với vi phạm của bãi than này.
PGS.TS Trần Văn Quang, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - Đại học Đà Nẵng, nhận định nước từ bãi than chảy tràn ra đồng có lẫn than (dạng hạt phân tán nhỏ, ngấm và thấm vào lúa, gây màu đen. Lúa này phải bỏ vì nếu cho gia súc ăn thì cũng khó tiêu hóa vì lẫn than.
"Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm thêm là đất canh tác có sự tích lũy than ở dạng bùn sẽ không tốt hoặc làm giảm chất lượng đất, không phù hợp cho sự phát triển các loại thực vật nói chung và có khả năng làm giảm sản lượng lúa ở các mùa sau. Do đó cần có sự đánh giá, làm rõ phạm vi và mức độ ảnh hưởng của cơ quan quản lý nhà nước", TS Quang nói.

Hạt gạo cũng biến màu nên chuyên gia khuyên người dân không nên sử dụng, ngay cả làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Đông Vân
Ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, nói ngoài việc xử phạt doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng yêu cầu doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả, không để tái diễn. Riêng việc có di chuyển bãi than ra khỏi khu vực hay không còn phụ thuộc vào quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Nhơn mà thành phố đang thực hiện.