"Bắt đầu biết đến ma túy từ năm 10 tuổi với hơn 10 lần vào trại cai nghiện, nhiều lần vật vã vì đói thuốc, nằm trong trại cai nghiện mà nỗi nhớ thuốc cồn cào ruột gan, đầu năm 2008, tôi vẫn chưa thể từ giã kim tiêm bởi cơn nghiện vẫn lên cơn đều đều. Tưởng đã phải suốt đời sống cùng nghiện ngập, may thay tôi được điều trị bằng methadone", anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, anh bắt đầu tham gia chương trình uống methadone thay thế ma túy từ tháng 9/2008, sau 10 tháng dùng thuốc đến nay, anh đã hoàn toàn không còn dùng ma túy, tăng được 12 ký và hoàn toàn cảm thấy khỏe khoắn.
Người nghiện ma túy đang dùng methadone thay thế. Ảnh: Nguyễn Tuân. |
Anh Thuận, nhà ở Bình Thạnh người nghiệm ma túy hơn 15 năm cũng cho biết, việc dùng thuốc methadone hằng ngày đã giúp anh dần quên đi ma túy, ăn uống ngon miệng và thể trạng khỏe hơn nhiều so với lúc chưa được cai trị.
Chia sẻ niềm vui con trai đã cai hẳn ma túy, bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ tại quận 6 cũng cho hay, gia đình bà thực sự vui mừng khi thấy con trai tiến bộ rõ về mặt tinh thần, đặc biệt việc hút chích cũng không còn xảy ra sai 6 tháng dùng methadone.
Theo các nhà chuyên môn, methadone cũng là 1 dạng ma túy nhưng có sử dụng bằng cách uống. Thuốc này có tác dụng ít nhất trong 24h cho nên mỗi ngày chỉ dùng 1 lần nên sẽ không có hiện tượng tăng liều. Methadone cũng không tạo những kích thích, hưng phấn quá cao như heroin... Trong điều trị, methadone giúp người nghiện không còn thèm ma túy. Một ưu điểm khác, methadone dùng bằng cách uống nên không thể lây bệnh HIV.
Trên thế giới, methadone là loại thuốc chính được sử dụng trong điều trị cai nghiện thay thế, đến nay đã có 500.000 người nghiện được điều trị theo phương pháp này.
Tại VN, chương trình thí điểm điều trị được áp dụng tại Hải Phòng và TP HCM. Thuốc được cấp miễn phí cho người từ 18 tuổi trở lên có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng thuốc methadone; không có chống chỉ định dùng thuốc methadone; có giấy giới thiệu của UBND phường, xã... Ngoài ra điều kiện ưu tiên thường là các trường hợp nghiện ma túy ít nhất ba năm, đã cai nghiện nhiều lần bằng các phương pháp khác nhưng không thành công.
Đánh giá tình hình điều trị nghiện thuốc phiện bằng thuốc methadone tại TP HCM sau một năm thí điểm, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS thành phố, khẳng định, biện pháp này tỏ ra hiệu quả.
"Trong 600 người được dùng thuốc methadone điều trị cai nghiện, ngoài anh Tuấn, anh Thuận, con trai của chị Tuyết, nhiều trường hợp khác cũng đã không còn sử dụng ma túy hoặc số người thôi dùng ma túy đã giảm đáng kể. Khảo sát hồi tháng 5 trên 300 ca uống methadone tại quận 4, quận 6 và Bình Thạnh cho thấy, khi đã được điều trị duy trì từ 6 tháng trở lên, lượng người còn tiêm chích ma túy chỉ vào khoảng 6%", ông Giang nói.
Trước những tín hiệu khả quan bước đầu, TP HCM dự kiến sẽ tăng thêm 2 điểm cấp cai nghiện bằng methadone với 500 người sẽ được xét duyệt. Tuy nhiên theo ông Giang, không nên coi việc sử dụng methadone theo cách nghĩ "dùng loại ma túy này để thay thế loại ma túy kia mà đối tượng được cai nghiện cần xem đây là cơ hội để hướng tới cuộc sống mới tốt đẹp hơn".
Tính đến 15/2/2009, TP HCM có 15.706 người cai nghiện từ các trường cai nghiện tái nhập cộng đồng. Gần 10.000 người được quản lý tại địa phương, trong đó đã có trên 1.000 người bị tái nghiện.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều người nghiện sau khi trở về với cộng đồng cho rằng, thất nghiệp dẫn đến cù bất cù bơ rồi nghĩ mình vô dụng là nguyên nhân chủ yếu khiến họ tìm đến cảm giác xưa để quên. Riêng việc điều trị bằng methadone, nhiều dân nghiện tại quận 8 cho rằng, nếu nhà nước không quản lý kỹ, khả năng người nghiện tìm đến methadone đơn giản chỉ để giải cơn ghiền không có tiền mua ma túy. là điều khó tránh khỏi.
Phó Chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS TP HCM Lê Trường Giang cũng cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho người nghiện sau khi đã được cai bằng phương pháp methadone là cực kỳ quan trọng bởi nếu không, họ có thể sẽ mang tâm trạng buồn chán và dễ quay lại con đường cũ.
Thiên Chương