Ngày 26/3, BS.CK1 Trần Thị Mai Uyên, Trưởng Khoa Nội Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh nhân vào viện sau khi đột ngột yếu nửa người bên phải. Người bệnh được cấp cứu trong thời gian vàng những giờ đầu, đáp ứng điều kiện nên bác sĩ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, sau đó can thiệp lấy huyết khối đường động mạch.
Sau khi lấy huyết khối, bác sĩ quan sát thấy người bệnh vẫn còn xơ vữa gây hẹp động mạch não giữa trái, diễn tiến tái tắc mạch, nguy cơ nhồi máu não tiến triển nặng lên. Ê kíp đã dùng bóng nong (balloon) ép các mảng xơ vữa vào thành động mạch, giúp máu lưu thông.
Người bệnh có thể cử động tay chân tốt sau can thiệp, điều trị giúp ổn định các bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường và vừa xuất viện khỏe mạnh sau 5 ngày.
"Trường hợp này cục máu đông nằm ở mạch máu lớn, diễn tiến phức tạp, nhờ vào viện sớm, được xử trí kịp thời nên bệnh nhân hồi phục tốt", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Uyên, thời gian là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cấp cứu đột quỵ. Điều trị kịp thời trong thời gian vàng giúp người bệnh tăng khả năng vượt qua cơn đột quỵ cũng như hạn chế tối đa di chứng. Với đột quỵ nhồi máu não - loại đột quỵ chiếm tỷ lệ phổ biến đến 80-85%, thời gian vàng để tiêm thuốc tiêu sợi huyết là dưới 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế trang bị máy chụp CT sọ não và có khả năng điều trị đột quỵ để có cơ hội tốt nhất. Đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.
Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ... cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố nguy cơ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.
Lê Phương