Bệnh nhân 57 tuổi, ngụ quận 5, bị bỏng mắt do khói xe lam từ năm 17 tuổi, khiến "trước mặt chỉ là bóng đen". Trải qua hai lần ghép giác mạc không thành công, chị phải tự mò mẫm để sinh hoạt, chăm sóc bố mẹ già.
Còn người phụ nữ 42 tuổi, ngụ Cà Mau, không nhìn thấy gì 12 năm nay do loạn dưỡng giác mạc và loét giác mạc. Mọi sinh hoạt của chị đều lệ thuộc vào chồng.
Cả hai được ghép giác mạc nhờ nguồn hiến tặng từ người đàn ông 47 tuổi chết não ở Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, hôm 20/12. Sau ghép, hai người phụ nữ đã nhìn thấy ánh sáng, sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện ngày 28/12, theo BS.CK2 Ngô Văn Hồng, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chứng kiến vợ có thể tự đi lại mà không cần sự hỗ trợ, chồng của người phụ nữ 44 tuổi cho biết đã gọi điện thoại báo tin vui đến tất cả anh em họ hàng. "Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn người hiến và gia đình họ đã tặng giác mạc cho vợ tôi, các y bác sĩ đã thực hiện ca ghép thành công", anh nói.
Người phụ nữ 57 tuổi cho biết hy vọng từ nay có thể chăm sóc mẹ tốt hơn, làm cho mẹ những điều trước đây không thể.
Ngoài giác mạc, hai quả thận từ người đàn ông chết não trên còn giúp hồi sinh cuộc đời hai bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Nhi Trung ương. Lá gan được bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM chia đôi, một ghép cho người đàn ông 61 tuổi, một ghép cho em bé hai tuổi.
Việt Nam có khoảng 300.000 người mù đang chờ để được ghép giác mạc. Việc lấy, ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007, đến nay đã có hơn 3.000 người được ghép.
Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc. Trong đó, 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình với 437 người và Nam Định 332 người.
Lê Phương