Ngày 2/1, TS.BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó giám đốc Khối Ngoại Bệnh viện Gia An 115, cho biết cột sống cổ bệnh nhân bị chấn thương, gãy xẹp, chèn ép tủy cổ nghiêm trọng, một tháng trước. Nếu không phẫu thuật sớm và giải ép triệt để phục hồi chức năng thần kinh, bệnh nhân đối diện khả năng không thể tự chăm sóc bản thân.
Các bác sĩ phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của màn tăng sáng (C-Arm) lấy đĩa đệm, ghép xương, cố định cột sống cổ, giải chèn ép tủy cổ. Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu tích cực hàng ngày, trong đó có điện châm, giúp nhanh chóng có cảm giác ở các ngón chân, tự giơ tay lên cao.
Theo bác sĩ Khang, những trường hợp tai nạn giao thông gãy cột sống cổ nghiêm trọng có chèn ép tủy gây dập tủy có tỷ lệ tử vong ngay tại chỗ rất cao, do tổn thương trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Nhiều bệnh nhân không có cơ hội tới được bệnh viện điều trị.
Ngoài ra, với nạn nhân dập tủy cổ, có một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm là sốc tủy, thường ở tuần thứ hai đến hết tuần thứ ba, tức là khoảng 7-21 ngày kể từ khi chấn thương. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể ngưng thở, ngưng tim, nguy cơ tử vong rất cao.
"Bệnh nhân này được phẫu thuật sớm và giải ép triệt để, vượt qua giai đoạn sốc tủy và đã chuyển sang giai đoạn hồi phục sớm", bác sĩ phân tích. Chặng đường tiếp theo còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của cả người bệnh và gia đình để tiếp tục vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Với tốc độ hồi phục như hiện tại, bác sĩ hy vọng sau 6 tháng đến một năm, bệnh nhân có thể đi lại như trước.
Người bệnh vừa xuất viện để quay về Hà Nội tiếp tục điều trị. Cô và chồng con bị lật xe taxi khi đi du lịch tại TP Đà Lạt, được chuyển về TP HCM điều trị. Con gái một tuổi không may tử vong trước khi vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Bệnh viện giảm 50% cho bệnh nhân này.
Lê Phương