Thực tế này được nêu tại cuộc họp Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 31/1 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.
Kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC) từ tháng 8/2017 nên ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Giao thông vận tải là người thấu hiểu hơn ai hết chuyện khuyết cán bộ lãnh đạo khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản trị, cổ phần hóa. Ông Công đơn cử, hiện ở SBIC không có Tổng giám đốc để điều hành công việc, chỉ có 2 Phó tổng giám đốc và Hội đồng thành viên cũng chỉ có 3 người. Do bị xếp hạng C sau khi cơ cấu lại, nên lãnh đạo quản lý của SBIC cũng bị xếp hạng C. Vì thế theo quyết định 87 số cán bộ tại đơn vị này không được bổ nhiệm, không được quy hoạch và phải luân chuyển sau 2 năm…
“Doanh nghiệp lâm vào tình trạng không có cán bộ nào để bổ nhiệm, chỉ có chuyên viên thì may ra đủ tiêu chuẩn”, ông Công nêu thực tế và cho biết Bộ Giao thông đã có đề xuất gửi Chính phủ đề nghị có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến 3 Bộ: Tài chính, Tư pháp và Nội vụ thì chỉ duy nhất Bộ Tài chính “thấu hiểu nên đồng ý”.
“Việc Thứ trưởng kiêm nhiệm chức Chủ tịch cũng có nhiều rủi ro, không đủ thời gian làm. Anh em trình lên 10 nghị quyết, quyết định thì có tới 9 cái không dám ký. Nếu mình liều mà ký thì biết đâu sau thời gian nữa anh em lại vô khám thăm mình, nên thôi”, ông dí dỏm.
Liên quan đến cán bộ kiêm nhiệm, ông Công cho biết, SBIC hoặc đang phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, nếu sắp xếp đủ bộ máy, thêm 1 ông tốn tiền từ tổng công ty đưa xuống. Vì vậy, ông đề nghị sửa lại một số nội dung liên quan đến cán bộ kiêm nhiệm.
“Đây là chuyên đề lớn, cán bộ khuyết như thế này, không có cán bộ không làm gì được, quan trọng là anh đứng đầu mà không có. Không có người đứng đầu làm gì cũng khó. Như SBIC thiếu cả chủ tịch và Tổng giám đốc, Thứ trưởng bộ phải kiêm nhiệm", ông nói thêm.
Còn tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), dù là đơn vị “quản” gần trọn trong tay khối vốn Nhà nước khổng lồ của các doanh nghiệp nhưng hiện cũng đang khuyết người đại diện theo pháp luật. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của một doanh nghiệp đặc thù như SCIC. “Hàng ngày chúng tôi vẫn phải ký các quyết định liên quan tới gửi tiền, chuyển tiền, ký bán vốn… nhưng chưa có người đại diện pháp luật chính thức, vì thế rủi ro rất cao”, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch SCIC nêu thực tế và cho hay, đã báo cáo lên cấp có thẩm quyền nhưng tới giờ vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế khuyết cán bộ chủ chốt tại SBIC cũng là câu chuyện đang diễn ra tại 9 tập đoàn, tổng công ty trong số 33 doanh nghiệp khối Trung ương đang gặp phải. Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng úy khối doanh nghiệp Trung ương, đây cũng là nguyên nhân khiến việc bán vốn lần đầu ra công chúng tại một số doanh nghiệp vừa qua không thành công.
Theo Bí thư Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương, trong tình hình chung hiện nay, với các cá nhân thực hiện không tốt, làm sai thì phải xử lý nghiêm nhưng cũng cần phải ghi nhận đa số anh em còn lại đang tích cực cố gắng làm tốt.
“Chúng tôi thống kê những sai phạm của các doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua xuất phát từ những việc nhỏ nhất, có quá trình và có tính lặp lại. Nếu công khai, minh bạch sẽ là giải pháp quan trọng để khắc phục”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, với những cán bộ đã tới tuổi về hưu, không còn đủ nhiệm kỳ, năng lực… không nên chờ tới khi cổ phần hóa doanh nghiệp xong mới cho nghỉ và bổ nhiệm cán bộ mới. “Cổ phần hóa là để doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhưng nếu để những người làm kế hoạch này có tâm lý ‘làm rồi chờ nghỉ hưu’ thì sẽ khó đạt kết quả tốt nhất”, ông nói.
Ngoài ra, bán vốn Nhà nước cần phải có chương trình truyền thông tổng thể, chứ không phải “đối phó với báo chí giải quyết tồn tại, tiêu cực trước mắt”. Vì thế, những vị trí lãnh đạo khiếm khuyết tại doanh nghiệp cần bổ nhiệm người có đủ năng lực để họ thực thi có trách nhiệm.
Chia sẻ thực tế này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cán bộ, người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng, nếu 9/33 tập đoàn khuyết lãnh đạo thì ai sẽ là người chỉ đạo, điều hành thế nào. Ông yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ (Văn phòng Chính phủ) có tham mưu, giúp tháo gỡ khó khăn này cho các tập đoàn, tổng công ty.
Đề cập chung tới cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bức tranh này rất rộng nhưng lại chưa có báo cáo đầy đủ, số liệu thống kê chính thống cho biết “sức khỏe” doanh nghiệp ra sao.
Năm 2017 cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 69 doanh nghiệp nhà nước, có tổng vốn điều lệ gần 162.000 tỷ đồng. 21 doanh nghiệp được bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu về gần 5.200 tỷ. Cả nước cũng đã thoái được 8.915 tỷ đồng, thu về 139.385 tỷ, gấp 15,52 lần giá trị sổ sách.
Như vậy, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách năm 2017 đạt 144.577 tỷ đồng, gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu 60.000 tỷ Quốc hội giao.
Anh Minh