Nhà hát 5B Võ Văn Tần (TP HCM) vừa ra mắt vở mới (đạo diễn và kịch bản: nghệ sĩ Hữu Quốc) tối 30/6. Thoại Mỹ vào vai chính tên Nhớ - người mẹ bị tâm thần sau một biến cố. Kịch còn có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ: Quỳnh Hương (bà Hai - mẹ Nhớ), bé Gia Hân (Diều - con gái Nhớ), Hữu Quốc (Hùng, cha Diều), Tuyền Mập (bà Tám hàng xóm)...
Tác phẩm mở đầu bằng khung cảnh đồng ruộng đậm chất miền Tây Nam bộ. Nhớ thả diều, nô đùa cùng con gái nhỏ. Nhớ mang thai Diều với người tình đầu đời. Sau khi phát hiện bị phản bội, cô hóa điên và sinh con trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Cô không còn nhận ra con, chỉ nghĩ Diều là em gái. Bà Hai dắt con gái lẫn cháu ngoại đến một miền quê xa lạ sinh sống. Biến cố xảy đến khi một phụ nữ giàu có trong đoàn thiện nguyện từ xa đến thăm, muốn nhận Diều làm con nuôi. Vì bệnh tật, túng quẫn, người bà đành đem gửi cháu cho người lạ. Họ trở thành nạn nhân của một âm mưu, khiến mẹ con Nhớ cách biệt suốt 20 năm.
Vở đánh dấu sự trở lại của Thoại Mỹ với kịch nói sau hơn 10 năm, kể từ hai vai trong vở Thương đâu gả đó và Bao Công. Ở tác phẩm mới, nghệ sĩ giữ vai trò "nặng ký" hơn khi đảm nhận cả hai tuyến hài và bi. Hóa thân vào một người mẹ ngớ ngẩn, nghệ sĩ tạo được sự đồng cảm ở người xem. Khán giả vừa bật cười với những cảnh Nhớ cư xử ngờ nghệch vừa đồng cảm khi cô bị mẹ trói vì ăn cắp đồ chơi của đám trẻ trong làng cho con.
Ở cao trào của vở, diễn xuất của Thoại Mỹ lấy nước mắt người xem. Khi bị buộc xa con, Nhớ khóc nấc hay lúc cô nhận lầm đứa bé khác là con mình rồi đem về nhà ru ngủ, trở thành những điểm nhấn cảm xúc của tác phẩm. Gần cuối vở, khi Thoại Mỹ hát ru câu: "À ơi, con chim se sẻ nó đẻ cột đình/ Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em biết không", sân khấu 5B vang lên tiếng khóc từ hàng ghế khán giả. Chị Nguyễn Thị Cẩm (quận Bình Thạnh) kể chị bị cuốn theo diễn xuất của dàn nghệ sĩ, nhất là Thoại Mỹ. "Cách chị Nhớ ôm con, để đầu bé gác lên đùi rồi ru à ơi với giọng hát trọ trẹ của một người nửa tỉnh nửa mê, tạo được đồng cảm rất lớn với một người đã làm mẹ như tôi", khán giả này chia sẻ.
NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ chị áp lực khi diễn kịch dài sau nhiều năm rời xa bộ môn này. Chị phải học lại cách thoại đúng chất đời, tự nhiên. "Tôi nhận lời diễn cộng tác của 5B vì quý tấm chân tình của chị Mỹ Uyên - giám đốc nhà hát - và tình thân với NSƯT Hữu Quốc. Tôi xem đây là cơ hội cọ xát lại với kịch thoại và học hỏi thêm từ các bạn diễn trẻ", nghệ sĩ nói.
Dàn diễn viên phụ cũng tạo được sức hút cho tác phẩm. Gia Hân đảm nhận vai Diều - một cô bé nhỏ tuổi song sớm thấu hiểu cảnh chật vật của gia đình. Diễn viên nhí phối hợp tốt với dàn nghệ sĩ trưởng thành, từ cảnh Diều lén đút cơm cho mẹ, hay tiếng "Chị Hai" vang lên nghẹn ngào ở cuối tác phẩm. Nghệ sĩ Quỳnh Hương diễn tròn vai người bà, người mẹ thương con cháu nhưng bất lực với bệnh tật trong người. Tuyền Mập vừa tạo được nhiều tiếng cười trong vai bà hàng xóm nhiều chuyện, vừa diễn bi tốt ở gần cuối vở.
Âm nhạc là chất liệu làm tăng thêm cảm xúc cho vở, với giai điệu đậm chất dân ca Nam bộ. Trong đó, ca khúc chủ đề tạo được dư âm với lời ca về con diều. Sân khấu 5B vẫn trung thành với lối dàn dựng đơn giản qua phông nền 2D và các đạo cụ thủ công như con diều giấy, tàu lá dừa, gàu múc nước... Tuy nhiên, do các diễn viên không dùng micro khi thoại, khán giả dễ bị phân tâm nếu có tiếng ồn hay tạp âm bên ngoài.
Tác phẩm tiếp tục diễn vào tối 14/7 tại Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Mai Nhật