Ngày 20/9, bác sĩ Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân nhập viện sau hai giờ bị rắn hổ cắn khiến tay sưng nề, khó cử động, đau buốt. Trước đó, ông đã sơ cứu tại trạm y tế gần nhà, do nguy kịch nên chuyển lên tuyến trên điều trị.
Các bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm đông máu, xác định nhiễm độc, truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau buốt, bàn tay cử động bình thường, sưng nề giảm.
Rắn hổ gồm rắn mang thường và rắn chúa. Nọc độc của rắn hổ không chỉ gây nhiễm độc thần kinh với biểu hiện suy hô hấp, liệt cơ, mà còn có thể gây rối loạn nhịp tim, diễn tiến nặng sẽ ngưng tim, phải đặt máy tạo nhịp. Ngoài ra, rắn này cắn còn dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc, phải lọc máu.
Dấu hiệu nhiễm độc là đau, sưng nề tại vết cắn, hoại tử đen (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Nhiều trường hợp đau nhức toàn thân, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Khi bị rắn cắn, người bệnh cần bình tĩnh, hạn chế di chuyển, bất động chân, tay (nơi có vết thương). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép gây sưng nề. Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo đồng thời gọi nhân viên y tế đến. Khi vận chuyển nạn nhân, gia đình cần duy trì băng ép để đảm bảo an toàn. "Kể cả khi xác định là rắn lành, bệnh nhân đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu", bác sĩ nói.
Điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là truyền huyết thanh kháng độc. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Thùy An