Scott Nguyễn và nhiều đồng nghiệp tự gọi mình là những "thợ săn biến chủng". Họ có nhiệm vụ theo dõi các biến chủng mới nổi xung quanh thành phố, tìm kiếm hàng triệu chuỗi gene nCoV trong một cơ sở dữ liệu quốc tế khổng lồ có tên GISAID. Mục tiêu là tìm ra các chủng nguy hiểm, có thể thay đổi tiến trình đại dịch, hoặc đơn giản là cung cấp cho các nhà khoa học thêm kiến thức về cách tiến hóa của virus.
Chẳng hạn, hồi tháng 11, một thợ săn biến chủng tìm thấy "tập hợp đột biến rất kỳ lạ" đến từ biến chủng ở Nam Phi. "Nó cuối cùng chính là Omicron", ông Nguyễn kể lại.
Sau đó, vào một buổi sáng tháng 2, Nguyễn phát hiện không chỉ một mà là "một lớp" biến chủng hoàn toàn mới. Biến chủng này trộn lẫn các phần của Delta và Omicron. Những bộ phận đó không ghép với nhau một cách ngẫu nhiên. Virus dường như có sự kết hợp tối ưu, chọn lọc những đặc điểm tốt nhất từ mỗi loại biến chủng để lây nhiễm và tránh miễn dịch.
Cụ thể, ông Nguyễn đã tìm thấy một biến chủng chứa chủ yếu thành phần của Delta, song mang protein gai của Omicron. Đây là bộ phận giúp virus bám vào tế bào người và bắt đầu lây lan.
"Như vậy, nó mang phần tốt nhất của Omicron là protein gai, nhưng cơ thể vẫn là Delta. Đây là cách tốt nhất để mô tả về virus", ông Nguyễn nói.
Theo ông, trong trường hợp bệnh nhân nhiễm cùng lúc hai biến chủng Omicron và Delta, rất có thể một "biến chủng quái vật" sẽ được sinh ra. Nó có "phần vỏ của Omicron và phần thân của Delta".
Đến nay, biến chủng này rất hiếm, được các nhà khoa học tạm gọi là Deltacron. Nó đã xuất hiện ở Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan và Đức, số ít được tìm thấy tại Mỹ, Anh và Brazil.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chức các nước đang theo dõi chặt chẽ Deltacron. Họ chứng minh virus đã chọn lọc những phần hiệu quả nhất và kết hợp chúng thành một "siêu virus". Quá trình này được gọi là tái tổ hợp, có thể tạo ra các chủng cúm nguy hiểm nhất.
"Virus tái tổ hợp thường xuyên là cách tạo ra đại dịch cúm. Vì vậy, chúng ta cần thật thận trọng, theo dõi quá trình tái tổ hợp rất, rất chặt chẽ", tiến sĩ Mike Ryan thuộc WHO, cho biết.
Protein gai của Omicron giúp virus trốn tránh hệ thống miễn dịch ở người, đặc biệt là các kháng thể. Do đó, biến chủng Deltacron về cơ bản là Delta "mặc áo choàng tàng hình của Omicrcon".
"Nó là biến chủng có những đặc điểm 'tốt' nhất thế giới, xét về mặt tiến hóa. Thật ngạc nhiên là virus làm được điều này", ông Nguyễn nói.
Shishi Luo, chuyên gia hóa sinh tại công ty Helix, đồng ý với cách giải thích của nhóm Scott Nguyễn. Về cơ bản, biến chủng lai được tạo ra khi một người nhiễm cả Delta và Omicron cùng một lúc.
Luo và các đồng nghiệp đã phân tích mẫu bệnh phẩm từ 30.000 người Mỹ nhiễm nCoV kể từ tháng 11/2021 đến tháng 2. Họ phát hiện 20 người đồng nhiễm Omicron và Delta.
"Omicron lây lan mạnh vào khoảng Giáng sinh và Năm mới, khi mọi người gặp gỡ nhau nhiều. Hãy tưởng tượng, bạn đến một buổi tiệc có người nhiễm Delta, sau đó tới nơi khác và tiếp xúc với người nhiễm Omicron", Luo giải thích.
Theo bà, nếu hai biến chủng lây nhiễm cùng tế bào, virus có thể bắt đầu tái tổ hợp. Về bản chất, trong quá trình nhân lên, biến chủng đánh cắp một đoạn gene từ biến chủng khác. Như vậy, Deltacron được sinh ra do Delta đã sao chép một phần mã di truyền của Omicron.
Việc thu thập các đoạn mã di truyền thay vì các gene đơn lẻ khiến virus linh hoạt hơn, nhanh chóng phát triển thành phiên bản mới có thể né tránh miễn dịch.
"Điều này cho thấy nCoV có tiềm năng tự thay đổi lớn đến thế nào", Luo nhận định.
Trên thực tế, hiện tượng tái tổ hợp xảy ra từ những ngày đầu Covid-19 lây nhiễm. Tháng trước, các nhà khoa học tại Đại học Glasgow đã công bố một nghiên cứu phỏng đoán về nguồn gốc nCoV. Phân tích của họ cho thấy một con vật ở chợ hải sản Vũ Hán có thể đã đồng nhiễm hai loại virus corona cùng một lúc. Hai virus này kết hợp lại, tạo ra nCoV như cách Omicron và Delta đang làm để tạo ra Deltacron.
"Những ngày đầu đại dịch, chúng tôi nghĩ nCoV không đột biến quá nhiều. Nhưng loại virus này khiến chúng tôi ngạc nhiên ở nhiều khía cạnh. Vì vậy, chúng tôi nghĩ những biến chủng tái tổ hợp (biến chủng lai) cung cấp các manh mối thú vị về cách virus phát triển", Scott Nguyễn nói.
Thục Linh (Theo NPR)