Khi Covid-19 lần đầu quét qua Mỹ, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Tuy nhiên, Alberto Paniz-Mondolfi, giáo sư trợ lý bệnh học, y học phân tử và tế bào tại Trường Y Mount Sinai Icahn, không phải một trong số đó. Ông cũng không bị sốc khi vào tháng 6, trẻ nhiễm nCoV có biểu hiện viêm đa hệ.
Là người từng dành nhiều năm chiến đấu với các loại dịch bệnh ở Nam Mỹ, giáo sư Mondolfi hiểu được cách mầm bệnh lây lan và những tổn hại chúng có thể gây ra.
"Khi đối phó với chúng, bạn sẽ phát triển một phản xạ. Như kiểu có thể cảm nhận được virus", ông nói.
Cùng với các đồng nghiệp của mình, ông đã nghiên cứu và điều trị các loại bệnh truyền nhiễm khủng khiếp nhất ở phía Tây bán cầu. Khi phải rời quê hương Venezuela trong thời kỳ bất ổn kinh tế và chính trị năm 2019, ông nghĩ rằng cuộc chiến chống lại những mầm bệnh mới, bí ẩn sẽ dịu đi, ít nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông bị đẩy vào trung tâm của một trong những đại dịch chết chóc nhất thập kỷ.
Sau 8 tháng, bí ẩn về trẻ em và Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh đối với ông. Những câu hỏi như "tại sao nCoV lây lan mạnh ở trẻ nhỏ, nhưng để lại rất ít triệu chứng lâm sàng?" hay "vì sao trẻ da đen, Mỹ Latin ảnh hưởng nghiêm trọng hơn?", còn xoay vần trong tâm trí giáo sư 43 tuổi.
Trước khi Covid-19 quét qua, Mondolfi từng đi khắp thế giới để nghiên cứu về vi sinh vật, di truyền phân tử và da liễu. Ông lấy bằng thạc sĩ về ký sinh trùng năm 2006. Thời kỳ này, ông đã phân lập và mô tả một loài ký sinh mới, lây nhiễm cho một bệnh nhân ở Bronx.
Sau đó, ông trở lại Venezuela, khám chữa và điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết Guanarito, loại virus bí ẩn đã giết chết gần một phần ba số người mắc. Năm 2018, nhóm của giáo sư Mondolfi là những người đầu tiên tại Venezuela xác định được virus Madariaga, mầm bệnh truyền từ muỗi, gây ra sốt xuất huyết, có thể dẫn đến nhiễm trùng não và tử vong.
Mô tả về học trò cũ, tiến sĩ Gustavo Benaim, cho biết: "Cậu ấy là một ‘thợ săn virus’ không biết sợ hãi, một bác sĩ lâm sàng và nhà vi sinh học phi thường".
Giáo sư Mondolfi bị cuốn hút bởi việc tìm hiểu các tác động kéo dài của virus, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vùng đồng bằng phía tây Venezuela, nơi ông sinh sống, từng là điểm nóng sốt xuất huyết. Di chứng của căn bệnh là viêm mạch Kawasaki. Tình trạng này sau đó cũng được ghi nhận ở các bệnh nhi Covid-19. Ông hiểu rằng Kawasaki đôi khi xuất hiện do các nhiễm trùng nghiêm trọng. Triệu chứng gồm sốt, tiêu chảy, viêm loét, suy yếu đa cơ quan...
Khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở thành phố New York được đưa đến Bệnh viện Mount Sinai, giáo sư Mondolfi đang trực ở một bộ phận khác. Ông lo ngại rằng giới y khoa đã đánh giá thấp những tác động tiềm tàng của Covid-19 đối với trẻ em.
Ông cho biết: "Hầu hết các bác sĩ Mỹ chưa bao giờ phải chiến đấu qua một đợt dịch sốt xuất huyết". Trải nghiệm của Mondolfi với virus tại Venezuela, hậu quả nó để lại cho trẻ nhỏ, khiến ông gặp ác mộng hàng đêm khi nghĩ về những gì sẽ xảy đến tiếp theo trong đại dịch Covid-19.
Dù nCoV và sốt xuất huyết ít nhiều khác biệt, chúng vẫn có sự tương đồng nhất định. Cả hai virus đều nhắm mục tiêu vào các tế bào nội mô, có chức năng "lót" mạch máu.
Ở người mắc sốt xuất huyết, máu ngấm từ từ ra ngoài tĩnh mạch, gây sốc và tử vong. Tương tự, Covid-19 cũng làm tổn thương mạch máu khắp cơ thể.
Sốt xuất huyết dẫn đến hội chứng Kawasaki. Ban đầu, giáo sư Mondolfi tự hỏi liệu điều tương tự có xảy ra với bệnh nhân nCoV. "Khi virus xâm nhập và lớp nội mạc, chẳng có gì là tốt lành cả. Tôi không thể gạt Kawasaki khỏi tâm trí", ông nói.
Đến cuối tháng 4, mối nghi ngờ của ông được kiểm chứng. Các bệnh viện tại New York lần lượt tiếp nhận trẻ có biểu hiện nặng như sốt, viêm loét, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy yếu nhiều cơ quan như tim, thận, mạch máu, ruột, da và dây thần kinh. Các đặc điểm tương tự Kawasaki. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi đây là chứng viêm đa hệ.
Tính đến ngày 3/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận gần 800 trường hợp viêm đa hệ, 16 em đã tử vong. Trong đó, hơn 70% là trẻ da đen hoặc Mỹ Latinh.
Giáo sư Mondolfi ngay lập tức nhận thấy sự khác biệt về chủng tộc. Giả thuyết được đưa ra là cộng đồng da màu có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn. Khả năng tiếp cận chương trình xét nghiệm, hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ cũng hạn chế.
Song kết luận này chưa toàn diện. Tháng 8, CDC công bố báo cáo cho thấy khoảng 40% bệnh nhân da đen bị biến chứng viêm đa hệ, con số cao hơn mức trung bình ở người da trắng.
Giáo sư Mondolfi cho biết tình trạng này cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Theo ông, một biến thể trong đoạn gen liên quan đến miễn dịch khiến nhiều trẻ, ở bất kỳ chủng tộc nào, có nguy cơ bị viêm đa hệ sau mắc Covid-19 cao hơn. Ông và các đồng nghiệp đang thực hiện nghiên cứu về di truyền, để xem giả thuyết này có chính xác hay không. Bằng cách đó, bác sĩ có thể ngăn chặn hội chứng, hoặc ít nhất điều trị nó hiệu quả hơn.
Trong quá trình chống dịch, ông không ngừng nghĩ về trẻ em tại Venezuela, nơi virus bắt đầu càn quét mạnh mẽ hơn.
"Đây là cuộc chạy đua với thời gian", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times)