"Cá niên ở đây nhiều vô kể. Thịt cá trắng, thơm và ngọt. Cá suối không có mùi tanh", chị Thu, chủ quán tạp hóa thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, hào hứng kể khi có khách hỏi chuyện về con cá niên đặc sản của vùng đồng bào Cơ Tu. Nhưng đó là ký ức năm chị học tiểu học.
Vũng Bọt - con suối phía sau nhà chị Thu, là nơi hai con sông Nam và sông Bắc hợp lại, trước khi chảy ra biển Nam Ô, TP Đà Nẵng, với tên gọi là sông Cu Đê. Đây là khu vực nhiều cá niên nhất xã miền núi phía Tây Bắc của Đà Nẵng. Hơn 20 năm trước, người dân lội qua suối cũng có thể dẫm trúng cá niên. Quanh năm, cá niên là món ăn của mọi nhà.
![Chị Thu chỉ tay về Vũng Bọt, tiếc nuối quãng thời gian cá niên có thể đánh bắt làm thức ăn quanh năm. Ảnh: Nguyễn Đông](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/20/ca2-3551-1637420679.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Hkx3nOB6Xh4ag_LkvL1FZA)
Chị Thu chỉ tay về Vũng Bọt, tiếc nuối quãng thời gian cá niên có thể đánh bắt làm thức ăn quanh năm. Ảnh: Nguyễn Đông
Chị Thu nhớ những bữa theo cha ra suối câu khoảng một tiếng là xách cả giỏ A xiu hưr liêng - tên cá niên theo cách gọi của người Cơ Tu, mang về. Nhóm bạn chăn trâu cũng thường rủ nhau ra suối bắt cá đưa về bãi đá nhóm ít củi, xiên cá vào que tre rồi đặt lên than hồng để có món cá nướng thơm nức. "Giờ bọn trẻ vùng này không còn được thưởng thức những bữa ăn như thế nữa", chị nói.
Anh Bùi Hoài Vũ, 31 tuổi, thợ săn cá niên trong vùng, nói người dân hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đánh cá làm thức ăn từ xa xưa, nhưng chỉ ăn cá to từ ba đến bốn ngón tay (độ lớn trung bình của một con cá trưởng thành, tầm 2 đến 3 lạng - tương đương 0,3 kg mỗi con). Thợ săn thường dùng súng tự chế, với một sợi dây su nối với thanh sắt nhọn, bắn xa chừng 50 cm, nên cá nhỏ sẽ không bị bắn trúng.
Theo anh Vũ, loài cá sống ở khe suối, nơi nước chảy xiết nên rất nhanh nhẹn. Thợ săn ngoài việc giỏi nín thở để úp mặt xuống quan sát, còn phải biết cách đoán hướng di chuyển, bắn đón đầu và trúng vào phần thân trước mới bắt được cá. Nhiều khi phải lùa cá vào hang sâu, lặn xuống 4 đến 5 mét để bắn cá. "Nếu không đủ hơi thì bắn cá dù trúng cũng phải tạm thời bỏ lại đó, bơi lên mặt nước lấy hơi rồi mới xuống lại đưa cá lên", anh Vũ nói.
![Cá niên được đánh bắt tại nhiều sông, suối thượng nguồn ở miền Trung. Ảnh: Thành Đông](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/20/ca-1138-1637420680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2vZKdNbDBFYKEWwHwrhUdA)
Cá niên được đánh bắt tại nhiều sông, suối thượng nguồn ở miền Trung. Ảnh: Thành Đông
"Chúng tôi chỉ bắt cá về ăn chứ không bán", anh Vũ nói, cho biết cá niên có thịt săn chắc, dai ngon là món đặc sản đãi bạn nơi xa đến, hoặc trong những dịp cúng núi của người đồng bào và ăn Tết cổ truyền. Người trong vùng có thể bắt cá về ăn quanh năm và "nó vẫn bền vững". Nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhiều người nơi khác đến dùng xung điện và mìn để đánh cá. Những con cá niên bất kể to nhỏ, khi bị tấn công bằng cách đánh bắt này đều nổi trắng bụng và bị vớt hết.
Khi quãng đường hơn 30 km từ trung tâm Đà Nẵng lên Hoà Bắc được chỉnh trang, đi lại thuận lợi, ngày càng nhiều người dưới phố lên chơi và vị ngon của cá niên được truyền tai nhau. Một lượng cá lớn được bắt đưa vào nhà hàng. Giá cá niên tăng dần, hiện từ 280.000 đến 400.000 đồng mỗi kg tùy theo kích cỡ.
Cá niên càng đắt hàng thì nguồn cá càng cạn kiệt dần. Anh Vũ cho biết trước đây mỗi lần đi săn chỉ cần một buổi có thể bắn được 10 kg cá, còn bây giờ có khi cả ngày mới được một kg, với khoảng 2 đến 3 con. Là người đang làm tour du lịch khám phá ở Hòa Bắc, nhiều hôm anh Vũ dẫn khách đi lội suối cả tiếng đồng hồ nhưng không nhìn thấy con cá nào.
![Anh Bùi Hoài Vũ, thợ săn cá có tiếng trong vùng đang phát triển tour du lịch khám phá ở Hoà Bắc. Ảnh: Nguyễn Đông](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/20/ca4jpg-3187-1637420680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CiDkY5s6N-GmCHtlCt2iNA)
Anh Bùi Hoài Vũ, thợ săn cá có tiếng trong vùng đang phát triển tour du lịch khám phá ở Hoà Bắc. Ảnh: Nguyễn Đông
Trước tình trạng cá niên khan hiếm và có nguy cơ bị xoá sổ bởi cách đánh bắt hủy diệt, Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với địa phương triển khai chương trình bảo vệ và phục hồi loài cá này.
Chiều 19/11, 30 người dân ở Tà Lang, Giàng Bí tập hợp tại căn nhà ven sông Cu Đê của anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí, để nghe chính quyền xã Hòa Bắc đọc quyết định thành lập Tổ bảo tồn và khai thác bền vững cá niên. Họ chủ yếu là những thợ săn cá, thông thạo từng khúc sông, vách suối. Mỗi người được phát một chiếc áo màu xanh lá như là dấu hiệu nhận biết của đội bảo vệ, nhận một chiếc kính lặn, một súng bắn cá thủ công và một chiếc giỏ tre để bắn những con cá to, ngoài mùa sinh sản (khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch).
Các tình nguyện viên của Tổ có nhiệm vụ kiểm tra, tố giác các hành vi sai trái trong đánh bắt cá niên, như việc dùng xung điện, thuốc nổ hoặc lưới không đúng kích cỡ. Họ có thể báo cáo ngay hoặc chụp lại hình ảnh để cơ quan chức năng địa phương xử lý.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Trưởng nhóm chuyên gia dự án GEF Hòa Bắc, người từng thành công với dự án bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nói để bảo tồn cá niên cũng như các loài cá khác ở sông Cu Đê, người dân địa phương phải sử dụng các công cụ truyền thống khi khai thác, không bắt cá vào mùa sinh sản.
Ông Trương Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết nếu không có dịch Covid-19 thì tổ bảo tồn và khai thác bền vững cá niên đã được thành lập sớm hơn. Chính quyền xã dự kiến sẽ đưa các tình nguyện viên bảo vệ cá niên ra Cù Lao Chàm để tham quan mô hình bảo tồn cua đá của người dân xã đảo, khi chỉ bắt và tiêu thụ những con cua đã lớn đủ kích cỡ.
![Phó chủ tịch xã Hoà Bắc Trương Thành Thân trao súng thủ công và giỏ cho các thành viên tổ bảo tồn, khai thác cá niên. Ảnh: Nguyễn Đông](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/20/ca3-6971-1637420680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WlXdD9jTD1rTkr3Ncccntg)
Phó chủ tịch xã Hoà Bắc Trương Thanh Nhân trao súng thủ công và giỏ cho các thành viên tổ bảo tồn, khai thác cá niên. Ảnh: Nguyễn Đông
"Cá niên là loài không thể nuôi được, chỉ có trong tự nhiên nên nếu săn bắt tự do thì cá sẽ cạn kiệt và nguy cơ bị tuyệt diệt ở sông Cu Đê", ông Nhân nói, cho biết việc bảo tồn loài cá này gặp khó vì "cá sống ở ngoài suối, không thể cấm cản hay quản lý hết được".
Thời gian tới, các thành viên trong Tổ bảo tồn sẽ được tập huấn kiến thức, kỹ năng để trở thành những tuyên truyền viên, vận động cộng đồng người Cơ Tu hiểu được nguy cơ và giá trị của cá niên. UBND xã Hoà Bắc dự kiến chọn 6 địa điểm khe suối làm khu vực bảo tồn, gắn biển cảnh báo, tuyệt đối không cho săn bắt để cá niên có nơi trú ẩn và sinh sản. "Thôn phải đưa vào hương ước làng để bảo vệ các khu vực này", ông Nhân thông tin.
Hòa Bắc đang là địa điểm thu hút đông du khách bởi phong cảnh hữu tình và nơi lưu giữ văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Ông Nhân cho rằng nếu bảo tồn được loài cá niên, chắc chắn thêm lý do để thu hút du khách đến với địa phương.
Anh Bùi Hoài Vũ thì hy vọng, khi bảo tồn được cá niên, người dân trong vùng sẽ có thêm công ăn, việc làm, bán được nhiều nông sản. Còn chị Thu tính toán nếu khách du lịch lên Tà Lang, Giàn Bí nhiều lên, gia đình sẽ san bằng khu đất hơn 1.400 m2 có view nhìn ra Vũng Bọt và bãi đá hoang sơ cho thuê cắm trại qua đêm.
Cá niên hay là còn gọi là cá sỉnh cao hay cá mát có tên khoa học Onychostoma gerlachi. Ở Việt Nam, loài cá này sinh trưởng tự nhiên trên khắp các sông suối thuộc vùng núi. Bề ngoài cá niên trông giống cá chép nhưng thân mình thon hơn, phần vảy cá màu ánh bạc, vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới nắng.
Cá niên thường sống theo bầy đàn, tập trung ở những vùng nước sâu dọc sông, suối đầu nguồn; ăn rêu bám trên đá ở các gềnh, thác. Thịt cá có nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn từ kho đến nấu canh rau răm, nướng hoặc chiên giòn; ruột cá có thể nấu với rau rừng, ăn có vị đắng nhưng được nhiều người ưa thích.