Video được Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đăng trên mạng X hôm 8/10 cho thấy máy bay rung lắc dữ dội. 4 nhà nghiên cứu NOAA bay bên trong chiếc máy bay hiệu Lockheed WP-3D Orion đâm thẳng vào cơn bão.
Đội săn bão của NOAA đo những dữ liệu chủ chốt của bão Milton khi máy bay di chuyển trong gió mạnh 257 km/h phía trên vịnh Mexico. Trong thước phim do NOAA chia sẻ, chiếc máy bay bị giật mạnh khi tìm cách thoát khỏi mắt bão Milton đổ bộ vào Florida.
Trung tá Josh Rannenberg, trưởng phi công trong đội thợ săn bão của NOAA, theo dõi đường đi của bão Milton, cho biết nhóm thực hiện ít nhất 4 lần bay qua bão để lấy mẫu vật mỗi góc phần tư trong nhiệm vụ kéo dài 9 giờ. Thông tin ông và cộng sự thu thập được chuyển trực tiếp cho Trung tâm bão quốc gia trong lúc bay để họ có thể cập nhật dự báo và khuyến cáo trước khi bão đổ bộ vào đêm ngày 9/10. "Khi chúng tôi tiến vào mắt bão, nó vẫn là bão cấp 5. Tôi đã chứng kiến nó phát triển từ bão nhiệt đới thành bão cấp 5 trong hai nhiệm vụ. Đó là sự gia tăng cường độ nhanh nhất mà tôi từng thấy", Rannenberg chia sẻ.
Rannenberg cũng trải qua "hiệu ứng sân vận động" khi bay vào mắt bão. "Khi chúng tôi ở trong mắt bão, khu vực mắt bão rất nóng, không khí dịu êm hơn nhiều và những đám mây trông như khán đài bao quanh chúng tôi. Chúng tôi ở độ cao 2.438 m, nhìn xuống đại dương bên dưới, và đỉnh mây nằm ở độ cao trên 16.764 m. Vì vậy, vòm mây cao sừng sững xoay quanh chúng tôi ở trong mắt bão", ông kể lại.
Rannenberg đã bay qua nhiều cơn bão trong những năm qua, nhưng Milton nằm ở mức độ khác biệt. "Đây là cơn bão dữ dội nhất mà tôi từng bay vào bên trong với nhiễu loạn tồi tệ nhất, nhiều sấm sét nhất, đối lưu sâu nhất và độ rộng của nó thật khó tin, cũng như sức mạnh phía sau nó", Rannenberg kể lại.
Bất chấp nhiễu loạn mạnh, nhóm nghiên cứu vẫn triển khai thành công máy do thám để thu thập dữ liệu. Máy do thám là thiết bị thời tiết giải phóng từ máy bay bằng dù để đo và truyền dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, sức gió và hướng gió cách 0,25 - 0,5 giây/lần. "Mục đích của những nhiệm vụ này chủ yếu nhằm xác định tâm bão, đo áp suất trung tâm và sức gió bề mặt trong mắt bão", Susan Buchanan, giám đốc quan hệ công chúng thuộc Cục thời tiết quốc gia, cho biết.
Nhiều công nghệ khác nhau hỗ trợ quá trình thu thập dữ liệu. Ví dụ, máy phát tín hiệu radar truyền xung điện từ để phản ánh lượng mưa bên trong cơn bão, giúp ghi nhận lượng mưa sẽ rơi xuống (giọt lớn hơn và mưa đá sẽ phân tán nhiều bức xạ hơn giọt mưa).
Bức xạ kế vi sóng tần số biến đổi (SFMR) gắn vào cánh máy bay đo bức xạ vi sóng phát ra từ bọt biển và nước sủi bọt ở bề mặt đại dương và sử dụng dữ liệu để xác định tốc độ gió. Trong khi đó, drone phóng từ máy bay có thể bay sát phía trên ngọn sóng, theo dõi năng lượng truyền từ biển hướng lên trên cung cấp nhiên liệu cho cơn bão. Chúng thậm chí có thể để bay tự do trong mắt bão, cho phép theo dõi liên tục thay đổi áp suất trong khi máy bay tiếp tục nhiệm vụ.
"Các nhà dự báo luôn sử dụng ảnh vệ tinh, nhưng họ cũng luôn sẵn sàng chờ dữ liệu máy bay gửi về. Thông tin bổ sung giúp tìm hiểu điều gì khiến cơn bão lưu lại lâu hoặc ức chế sự phát triển của chúng", Jason Dunion, nhà khí tượng học ở NOAA từng bay vào 40 - 50 cơn bão khác nhau, chia sẻ.
Trong suốt quá trình, mắt bão và hoàn lưu bão rất quan trọng bởi thông qua nhiều lần bay xuyên mắt bão, phi hành đoàn có thể thu thập thông tin toàn cảnh về cơn bão.
An Khang (Theo Mail/ABC News)