"Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/1 đã trở nên vô nghĩa vào thời điểm này. Vì vậy chúng tôi quyết định hủy sự kiện", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết hôm nay.
Bộ trưởng Jonson dự kiến thăm Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của người đồng cấp Akar trong bối cảnh Stockholm đang tìm cách thuyết phục Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO.

Bộ trưởng Jonson tại một căn cứ ở Anh hồi tháng 11/2022. Ảnh: Reuters.
Thông báo được đưa ra sau khi giới chức Thụy Điển cho phép chính trị gia Thụy Điển gốc Đan Mạch theo đường lối cực hữu Rasmus Paludan tổ chức biểu tình gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm ngày 21/1. Paludan tuyên bố có ý định "đốt một bản sao kinh Koran" trong cuộc biểu tình.
Bộ trưởng Akar nói rằng ông đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về tình hình ở Thụy Điển. "Không thể chấp nhận việc họ không phản ứng gì với những cuộc biểu tình như vậy. Đáng lẽ phải có những hành động cụ thể", ông cho hay.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/1 triệu Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom để phản đối, chỉ trích Stockholm cho phép tổ chức biểu tình gần đại sứ quán của Ankara là "không thể chấp nhận được".
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước triệu Đại sứ Herrstrom để phản đối vụ người biểu tình treo hình nộm của Tổng thống Erdogan tại Stockholm. Giới chức Thụy Điển lên án sự việc nhưng Ankara cho rằng Stockholm cần có lập trường chống chủ nghĩa khủng bố rõ ràng hơn.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành thành viên của khối, hai nước phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO do hai nước Bắc Âu chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Vũ Anh (Theo Reuters)