![]() |
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trên các xe bọc thép ở tỉnh Sirnal, gần biên giới với Iraq hôm 22/10. Ảnh: AP. |
Các quốc gia Ảrập, cùng với Mỹ và châu Âu, đang yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không nên mở cuộc tấn công vào nơi tình nghi là các căn cứ của phiến quân ở miền bắc Iraq, trong khi người dân nước này tuần hành đòi tấn công quân phiến loạn.
Tổng thống Iraq cho hay các phiến binh có thể sẽ tuyên bố ngừng bắn. Nhưng họ bác bỏ điều đó và nói rằng lệnh ngừng bắn đưa ra từ hồi tháng 6 vẫn còn hiệu lực.
Trong khi căng thẳng ngày càng lên cao, ngoại trưởng Thổ tuyên bố chính phủ sẽ theo đuổi các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn lực lượng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) quấy nhiễu, nhưng cũng cảnh báo rằng Ankara cần sớm thấy kết quả, nếu không thì leo thang về quân sự sẽ diễn ra.
Một phóng viên của AP đã nhìn thấy đoàn xe quân sự gồm 50 chiếc của Thổ, trên chở đầy binh sĩ và vũ khí, trong đó có pháo 155 ly, tiến đến thị trấn Sirnak ở ngay gần biên giới. Các khẩu pháo đều được ngụy trang, xe kéo pháo cũng vậy, đi theo xe là các quân nhân Thổ đội mũ sắt và mang súng máy.
Hiện chưa rõ đội quân này sẽ tham gia vào các cuộc đụng độ hiện có giữa quân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với phiến binh người Kurd, hay sẽ mở một đợt tấn công qua biên giới Iraq - điều đã được quốc hội ở Ankara cho phép tuần trước.
Theo số liệu của Lầu Năm góc, hiện có 60.000 binh sĩ Thổ được triển khai dọc biên giới với Iraq. Miền bắc Iraq được coi là tương đối yên bình, quân đội Mỹ lo rằng nếu Ankara mở một cuộc tấn công vào đây, thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ chiến tranh Iraq.
Đụng độ đã diễn ra suốt nhiều tuần và lên đến đỉnh điểm hôm chủ nhật, khi phiến binh phục kích và giết 12 quân nhân, bắt 8 người khác. Quân đội tuyên bố đã tiêu diệt 34 phiến binh trong cuộc phản công.
PKK ra đời trong những năm 1970 với mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd gồm các phần đất ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đông bắc Iraq, đông bắc Syria và tây bắc Iran.
T. Huyền (theo AP)