"Hệ thống an ninh của Thụy Điển không đủ khả năng chấm dứt những sự khiêu khích. Điều này không giúp NATO mạnh thêm mà chỉ gia tăng rắc rối cho liên minh", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói hôm nay. "Một câu hỏi được đặt ra về mặt chiến lược và an ninh khi thảo luận về khả năng Thụy Điển gia nhập NATO là họ sẽ mang lại lợi ích hay gánh nặng".
Ngoại trưởng Fidan bình luận trong bối cảnh ông dự kiến gặp người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom vào ngày 6/7 ở Brussels, Bỉ để bàn về việc Stockholm muốn trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Các lãnh đạo NATO trước đó bày tỏ hy vọng có thể chào đón Thụy Điển gia nhập khi liên minh họp thượng đỉnh ở Litva ngày 11-12/7. "Chúng tôi không bao giờ chấp nhận sử dụng thời gian để gây áp lực", ông Fidan tuyên bố.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan ngày 4/4 gia nhập thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, còn Thụy Điển vẫn gặp sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các "phần tử khủng bố" người Kurd và yêu cầu nước này dẫn độ những nghi phạm theo yêu cầu của Ankara. Bất chấp thỏa thuận về vấn đề này đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu năm ngoái, Ankara vẫn cho rằng Stockholm chưa có nhiều hành động giải quyết mối lo an ninh của họ.
Ankara gần đây còn phẫn nộ liên quan quyết định của cảnh sát Stockholm, cho phép người biểu tình đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và các đền thờ Hồi giáo.
Trong khi đó, Hungary ngụ ý sẽ theo sau Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm nay nói ông thường xuyên tham vấn với ông Fidan về Thụy Điển. "Nếu có thay đổi, chúng tôi tất nhiên sẽ giữ lời hứa rằng Hungary không trì hoãn bất cứ quốc gia nào gia nhập NATO", ông nói.
Như Tâm (Theo AFP)