"Chúng tôi đã nhắc lại mong muốn của mình với Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom. Hợp tác chống khủng bố hiệu quả là điều kiện bắt buộc để Stockholm gia nhập NATO", Ngoại trưởng Cavusoglu nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Thụy Điển tại Brussels, Bỉ, ngày 4/4.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các "phần tử khủng bố" người Kurd và yêu cầu nước này dẫn độ những nghi phạm theo yêu cầu của Ankara. Bất chấp thỏa thuận về vấn đề này đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu năm ngoái, Ankara vẫn cho rằng Stockholm chưa có nhiều hành động giải quyết mối lo an ninh của họ.
Căng thẳng giữa hai nước thậm chí leo thang hơn vào đầu năm nay sau những cuộc biểu tình đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm 21/1. Một số người tham gia biểu tình ở Stockholm còn đốt kinh Koran, hành động mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho là xúc phạm, đặc biệt đối với người Hồi giáo.
Ông Erdogan khi đó nói rằng Thụy Điển khó có thể mong đợi ủng hộ từ Ankara trong nỗ lực gia nhập NATO sau những hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ như vậy.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành thành viên của khối, hai nước phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Phần Lan đã nhận được ủng hộ của tất cả 30 thành viên và chính thức là thành viên thứ 31 của NATO từ ngày 4/4. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn vấp phản đối từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thanh Tâm (Theo TASS)