"Quan hệ giữa chúng tôi với các quốc gia ở đây sẽ chuyển sang vị thế rất khác biệt với bước đi sắp tới", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên hôm 17/9 sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan.
"Tất nhiên, đó là mục tiêu của chúng tôi", ông Erdogan nói khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa Ankara sẽ gia nhập SCO hay không. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan với tư cách đối tác đối thoại.

Tổng thống Erdogan tại cuộc họp các lãnh đạo SCO ở Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Erdogan thông báo đã đạt thỏa thuận giải quyết bất đồng về nhà máy hạt nhân đang xây dựng tại Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị.
Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom, đơn vị phụ trách dự án nhà máy hạt nhân Akkuyu, tháng trước hủy hợp đồng với nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ IC Ictas vì "hàng loạt vi phạm". Ông Erdogan nói rằng IC Ictas đã được trở lại dự án và hy vọng lò phản ứng đầu tiên sẽ khởi động vào năm 2023.
SCO được thành lập năm 2001, là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á - Âu gồm 9 thành viên là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan. Đây là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về quy mô địa lý và dân số, chiếm 60% diện tích lục địa Á - Âu, 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu.
Afghanistan, Belarus và Mông Cổ là quan sát viên, trong khi Azerbaijan và Turkmenistan cũng tới dự với tư cách khách mời hoặc đối tác đối thoại. Ai Cập, Qatar và Arab Saudi được SCO thêm vào danh sách đối tác đối thoại trong kỳ hội nghị lần này.
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 22 tại Uzbekistan cũng là lần đầu lãnh đạo các nước thành viên nhóm họp sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Vũ Anh (Theo Reuters)