Phát biểu tại Hội nghị Khám phá Không gian Toàn cầu (GLEX) 2021 ở St.Petersburg, Nga, vào hôm 16/6, Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUA) Serdar Hüseyin Yildirim đã công bố chi tiết kế hoạch đưa một robot thám hiểm lên Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này bằng động cơ tên lửa được chế tạo hoàn toàn trong nước.
Tên lửa sẽ sử dụng động cơ hybrid và dự kiến có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023, nhưng trong giai đoạn đó, thiết bị phóng sẽ "hạ cánh thô bạo" xuống vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Điều này sẽ giúp các kỹ sư Thổ Nhĩ Kỳ thu thập dữ liệu để chuẩn bị cho sứ mệnh đưa robot thám hiểm "đổ bộ có kiểm soát" xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030.
Theo Yildirim, robot sẽ được phóng vào năm 2028 hoặc 2029. Nó có nhiệm vụ thu thập dữ liệu khoa học trên bề mặt Mặt Trăng sau khi hạ cánh. Chi tiết về ngân sách của chương trình không gian này chưa được tiết lộ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch xây dựng một sân bay vũ trụ, phát triển hệ thống vệ tinh định vị trong nước và đưa một công dân của họ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế để tiến hành các thí nghiệm khoa học trong những năm tới.
"Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất đàm phán với các bên. Trong vài tháng nữa, chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình đào tạo", Yildirim nói với truyền thông.
Nếu sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một trong số ít các quốc gia có khả năng tự thực hiện chương trình không gian phức tạp. Vào tháng 2 năm nay, đối thủ trong khu vực là UAE đã đưa thành công tàu vũ trụ Hope tới quỹ đạo sao Hỏa, vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua khám phá vũ trụ.
Đoàn Dương (Theo Space)